Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Nhà thơ Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng, sinh tháng 12/1935 (Có tài liệu nói là 1/1936), tại làng Ngũ Giáo, Thanh Quít, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con út trong một gia đình có truyền thống hiếu học và đỗ đạt, là hậu huệ đời thứ 12 của Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng Hà Đức Ân, thời Lê Trung Tông, người theo Trịnh Tùng Nam tiến lập ra làng Ngũ Giáp, Thanh Quít ngày nay. Cha là Hà Đình (1895 – 1967), ảnh hưởng tư tưởng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, tham gia Cách mạng tháng 8/1945, rồi được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời, Hội đồng nhân dân xã Châu Phong. Sau năm 1954, cụ Hà Đình bị giặc bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, sau được tha rồi mất bởi bệnh tật. Chị gái thứ ba của Đức Trọng là Long cũng tham gia Cách mạng, bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man đã hy sinh anh dũng.

Người Quảng Nam kiêu hãnh với truyền thống lịch sử văn hoá: “Trung dũng, kiên cường” “Ngũ phụng tề phi”, tự hào với sông Thu Bồn tạo nên làng quê giàu đẹp, thấm đậm bản sắc trung liệt, khoa bảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp. Rồi mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Nguyễn Văn Trỗi say này. Gia đình và quê hương ấy đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng Hà Đức Trọng. Cho đến khi rời miền Bắc trở về Nam (sau khi tập kết) để chiến đấu giải phóng quê hương, Hà Đức Trọng đã mang bí danh Thu Bồn – con sông nổi tiếng quê hương.

Tính cách người Quảng Nam cũng tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà thơ Thu Bồn. Quảng Nam là đất khai phá, có dấu ấn rất quan trọng trong hành trình mở nước khi người Việt vượt đèo Hải Vân vào nơi “thế nước chảy gấp, thổ lực không hậu” như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét. 

Ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây là Phạm Đức Nam đã đánh giá: “Thu Bồn – nhà thơ lớn- người Quảng lớn” và đầy ắp “chất Quảng rặt” ở Thu Bồn.

Cuộc đời nhà thơ Thu Bồn luôn rực sáng, càng rực sáng hơn ở những bước ngoặt của lịch sử đất nước, ở lúc cam go, quyết liệt nhất của chiến tranh. Vào những lúc đó, nhà thơ luôn là người đi tiên phòng và đều để lại những tác phẩm ghi dấu mốc lịch sử.

Nhà thơ Anh Ngọc, khi nói về bút danh mang tên dòng sông quê mẹ của Hà Đức Trọng như sau: Nhà thơ Thu Bồn cũng là một dòng sông, dòng sông chở nặng tình yêu... Dòng sông cho con người mượn tên mình để khai sinh giữa đất trời, để góp mặt với đời và đến lượt mình, con người lại mang dòng sông đến với muôn người, làm rạng danh dòng sông ở giữa cuộc đời.

Năm 12 tuổi, Hà Đức Trọng đã phải rời quê hương gia nhập thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội và chiến đấu. Ông đã trở thành người con thân yêu của mọi miền đất nước. Sau chiến tranh chống Pháp, ông là lính pháo binh rồi được đi học Đại học Sư phạm Hà Nội. Trở lại chiến trường khu V và Tây Nguyên, lúc làm phóng viên, lúc làm pháo thủ, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ rồi tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà thơ Thu Bồn – chiến sỹ Hà Đức Trọng đã có mặt ở những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, rồi cùng tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975. Sau đó lại có mặt ở chiến trường Biên giới Tây Nam. Đặc biệt, Thu Bồn đã trở thành già làng ở Tây Nguyên, khi là già làng I. Blốc, khi là già làng suối Lồ Ồ.

Trường ca “Bài ca chim Chơrao” là mở đầu đột phá trường ca hiện đại của Thu Bồn đã ra đời tại một buôn làng Đê pa Plech – Tây Nguyên và được in Báo Văn nghệ năm 1964, đã gây chấn động làng văn chương. Ngay sau đó, Thu Bồn đã được trao giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi mới 27 tuổi. Thu Bồn là một trong số ít hiếm hoi các nhà văn Việt Nam hiện đại viết về Tây Nguyên thành công nhất. Theo Trung Trung Đỉnh: đối với Tây Nguyên, chưa có một nhà thơ nào viết được hay và nhiều như Thu Bồn

Thu Bồn là một người đa tài, đa đoan. Khi là Hà Đức Trọng, ông đã nổi tiếng trong thi chạy việt dã do Báo Tiền Phong tổ chức. Ông viết tiểu thuyết, làm thơ, làm báo.. đặc biệt là viết trường ca nhiều nhất. Thu Bồn đã có 7 trường ca, 5 tập thơ. Riêng 1986, cho ra đời 4 tiểu thuyết, trong đó có 2 tập dầy. Ông được nhận giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh với 4 tác phẩm là:

- Tuyển thơ Thu Bồn

- Tập truyện ngắn đặc sắc “Dưới tro”

- 2 tiểu thuyết “Chớp trắng” và “Vùng pháo sáng”

Vũ Quảng trong “Nghệ thuật mới” số ra tháng 11/2016 viết về Thu Bồn như sau: Đến như sóng và đi như gió. Ăn to nói lớn đúng chất Quảng Nam thứ thiệt. Thu Bồn được mệnh danh là một tráng sĩ thơ, với cả hai ý nghĩa về tính cách sinh hoạt và giọng điều thơ hào sảng. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết rằng: Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành đồng... Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng.

Thu Bồn – Hà Đức Trọng là niềm tự hào của Quảng Nam, của thơ văn cách mạng và tự hào của Quân đội và người Việt Nam chúng ta.[1]

Hà Văn Tăng

[1] Tài liệu: Thư viện Quốc gia, Báo Nghệ thuật mới (chuyên đề Báo Người Hà Nội tháng 11/2016)

1 nhận xét:

  1. Bản tin thời sự sáng ngày 9/4/2020 của VTV1 đưa tin. ông Hà Khoa một nông dân ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã tặng 700 m2 đất của gia đình cho Chính quyền địa phương bán đi lấy tiền, chung tay đẩy lùi dịch covid-19 .

    Trả lờiXóa

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT