Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Hà Vi Tùng tên khai sinh là Hà Đình Tùng, quê phố Xuân Hòa, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Quê gốc là Đa Phúc, xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây nay thuộc Quốc Oai, Hà Nội. Ông sinh ngày 8-2-1925, mất tại Nha Trang ngày 19-12-1994. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của thiếu tướng Hà Vi Tùng, gia đình và đồng đội của ông đã biên soạn cuốn sách “Tướng Hà Vi Tùng – một người lính Nam tiến” viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Đại tướng Nguyễn Quyết viết lời giới thiệu. Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2015.

Theo cuốn sách này, Hà Vi Tùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thành thị ở Tuyên Quang. Cha là Hà Đình Thung (hay Nai) mất năm 1970, làm nghề thợ xây, quê làng Thầy (thôn Đa Phúc, Sài Sơn, Sơn Tây). Mẹ là Lê Thị Giản, làm nghề buôn bán nhỏ, quê làng Chèm, Hà Nội. Con trai cả là Đại tá Hà Hoài Nam, nối nghiệp cha đang phụ trách một đơn vị ở phía Nam.

Hà Vi Tùng lúc nhỏ đi học, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia giành chính quyền ở Tuyên Quang. Gia nhập quân đội, được cử đi học quân chính khóa 1. Cuối năm 1945, sau khi Pháp trở lại Nam Bộ, ông xung phong Nam tiến chiến đấu chống giặc được phân công ở chiến trường Nam Trung Bộ. Ông là người dũng cảm, trưởng thành qua nhiều cương vị từ cơ sở lên ở khu V. Đánh Pháp rồi đánh Mỹ, Hà Vi Tùng đã đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, từ cán bộ sư đoàn đến quân khu và ở các chiến trường khác nhau. Mặt trận Tây Nguyên , Quân khu 5 , Quân khu Hữu Ngạn, Mặt trận Cánh Đồng Chum – Hạ Lào , Mặt trận Bình Trị Thiên, Quân khu I, Học viện quân sự cao cấp, Hiệu trưởng trường sỹ quan lục quân 3. Ông được phong quân hàm Trung tá năm 1958, Thượng tá năm 1965, Thiếu tướng năm 1985. Tướng Hà Vi Tùng được tặng thưởng nhiều Huân huy chương các loại, trong đó có Huân chương độc lập, và Huân chương quân công. Khi nghỉ hưu , ông còn tham gia trung ương hội cựu chiến binh Việt Nam và là chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hoà.





Đại tướng Nguyễn Quyết đánh giá cao lớp cán bộ quân đội suốt đời xả thân vì nước như Hà Vi Tùng và coi đó là “thế hệ đặc biệt”.

Đồng đội của ông có câu đối viếng khi ông qua đời như sau:


“Chiến trận xông pha, thù khiếp, dân yêu, công đức lớn

Hòa bình xây dựng, Đảng tin, bạn mến, nghĩa tình sâu.”
Nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương có lời trân trọng:


“Người đi vọng lại lời non nước

Lưu mãi muôn sau một chữ tình”

Năm 1989, tức là 5 năm trước khi về cõi thiên thu, tướng Hà Vi Tùng đã viết di chúc trong đó có dặn lại gia đình những điều sâu sắc:

“Đề phòng bố ra đi đột ngột, bố dặn các con phải giữ truyền thống của gia đình ta...Vợ chồng con cái phải yêu thương nhau, nhường nhịn nhauSống giản dị, thẳng thắn, trong sạch, không đua đòi.Yêu nước, yêu lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội. Quý trọng các chú, các bác là đồng đội của bố...”


Hà Vi Tùng là hình ảnh đẹp về Anh bộ đội cụ Hồ và là một nhân cách sống của người Việt Nam.

Hà Văn Tăng

Vân Hồ, Hà Nội, tháng 4/2016

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT