Theo Chu Trọng Huyến tác giả cuốn sách: “Kể chuyện về gia thế của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành, tái bản lần thứ 7- năm 2010 trong đó có bài: “Bên nội – cội nguồn của một thiên tài” cho biết Bà nội của Bác Hồ là Hà Thị Hy.
Chuyện kể rằng Bà Hà Thị Hy là người tài sắc, hát hay múa đẹp, nhất là múa đèn.Bà sinh ra trong một gia đình khá giả ở Mậu Tài (tức làng Sài) tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, đàn ông có khiếu văn chương, đàn bà phần đông mảnh mai, có giọng hát hay. Cụ thân sinh ra Hà Thị Hy là Hà Văn Cẩn, một bậc huynh thứ trong làng, vừa là lão nông thực thụ, vừa là nghệ sỹ dân gian nổi tiếng. Bà Cẩn cũng là người chăm chỉ, rất mực yêu chồng thương con.
Có tài sắc nhưng bà Hy tới ngoài 20 tuổi vẫn chưa xuất giá, mặc dù có nhiều người đã đánh tiếng. Cuối cùng Bà đã chọn Ông Nguyễn Sinh Nhậm một người dáng cao, gương mặt phúc hậu, phong thái đường hoàng…..nhưng sống cảnh gà trống nuôi con . Ông tổ của Nguyễn Sinh Nhậm là Nguyễn Bá Phổ ở làng Kim Liên (làng Sen), Nam Đàn, đến thế hệ thứ tư thì ông tộc trưởng Nguyễn Bá Dân xin đổi chữ lót họ mình thành Nguyễn Sinh. Dòng họ này về sau có người đỗ đạt, thành danh. Đến thế hệ thứ 9 chia thành nhiều nhánh, có người đến Mậu Tài cùng huyện. Ông Nguyễn Sinh Nhậm (tức Nguyễn Sinh Vượng) sinh trưởng trong gia đình khá giả ở làng Sen, được học hành, lớn lên lấy vợ, đẻ ra Nguyễn Sinh Trợ; chẳng bao lâu vợ mất. Ở vậy nuôi con trưởng thành, Ông Nhậm mới lấy vợ lẽ là Bà Hà Thị Hy. Năm Nhâm Tuất 1862 có tài liệu là 1863 Bà Hy đẻ ra Nguyễn Sinh Sắc.
Theo sách “Hồ Chí Minh thời niên thiếu” do Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh ủy Nghệ An phát hành năm 2004 xác định rằng : Nguyễn Sinh Sắc là con trai út ông Nguyễn Sinh Vượng ( tức Nhậm ). Bà vợ trước của ông Nhậm mất sớm để lại một con trai là Nguyễn Sinh Trợ (tức Thuyết). Sau khi lập gia đình riêng cho con, ông Nhậm mới lấy bà Hà Thị Hy ở làng Mậu Tài xã Chung Cự (nay thuộc xã Kim Liên). Cũng theo sách này chưa đến 5 tuổi ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với người anh là Nguyễn Sinh Trợ. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn ,nhưng ông Sắc được ông đồ Hoàng Xuân Đường nâng đỡ tận tình, cho ăn học, rồi gả con gái tài sắc là Hoàng Thị Loan cho.
Theo sách “Những người thân trong gia đình Bác Hồ” do Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản năm 2001(3) khẳng định Ông nội Bác Hồ là Nguyễn Sinh Nhậm (tức Vượng) thuộc thế hệ thứ 10, khi sinh được một người con trai là Nguyễn Sinh Trợ thì Bà Nhậm mất, ông cưới người vợ lẽ là Hà Thị Hy. Bà Hy sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Cũng theo sách này, cuối năm 1881 Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan làm lễ hứa hôn; Năm 1883 tổ chức cưới tại Hoàng Trù. Cụ Hoàng Xuân Đường đã dựng ngôi nhà tranh trong vườn nhà mình để cho đôi vợ chồng trẻ ở riêng. Năm 1884 vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh. Năm 1888 sinh Nguyễn Sinh Khiêm ( tức Tất Đạt). Năm 1890, sinh Nguyễn Sinh Cung ( tức Tất Thành).
Năm 1893 Cụ Hoàng Xuân Đường qua đời. Khoảng năm 1900 ông Nguyễn Sinh Sắc cùng Nguyễn Sinh Khiêm về thăm bà ngoại là Nguyễn Thị Kép ở Hoàng Trù và tu sửa phần mộ cho cha mẹ là Nguyễn Sinh Nhậm và Hà Thị Hy ở Kim Liên.
Khi Bà Hoàng Thị Loan mất ở Huế 22 tháng chạp năm Canh Tý(1901). Lúc đó Nguyễn Sinh Cung mới 10 tuổi, phải trở về Hoàng Trù sống với cụ Kép. Ông Nguyễn Sinh Sắc quyết chí học hành, thi Hội đậu Phó Bảng khoa Canh Tuất ( 1910).
Nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều tâm huyết cho tiểu thuyết nổi tiếng Búp Sen Xanh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2011(4), xuất bản lần thứ 2, in lần thứ 20 có thể có hư cấu nhưng cũng khẳng định một sự thật là Bà Hà Thị Hy là người tài hoa, duyên phận trắc trở, làm bạn với ông Nguyễn Sinh Nhậm, sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Khi Bà Hy mất, ông cử Hồ Sỹ Tạo đã làm “Văn ai” và đọc điếu văn này trước mộ Bà trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, họ hàng và bà con quê hương.
Là một trong “Tứ Hổ” Nam Đàn ( uyên bác bất như – San - Phan Bội Châu; tài hoa bất như Quí – Vương Thức Quí; cường ký bất như Lương – Trần Văn Cương; thông minh bất như Sắc – Nguyễn Sinh Sắc), sau khi vinh qui ái tổ, Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc cáo bệnh về dạy học ở quê. Về sau ông có đi làm quan ở Bình Khê, rồi lại đi làm thầy thuốc ở Phương Nam. Năm 1929 Ông mất ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.Cuộc đời sự nghiệp nhân cách của lớn của ông có tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc tới các con ông về sau. Ai cũng biết Nguyễn Sinh Sắc là người cha vô cùng tự hào và kính yêu của lãnh tụ Hồ Chí Minh- anh hùng giải phòng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới .
Đền thờ Bà Hà Thị Hy mới được xây dựng lên ở làng Kim Liên nơi Bà yên nghỉ hơn thế kỷ trước , là nơi tưởng niệm và hương khói, tri ân một người mẹ Việt Nam, bình dị như những bà mẹ khác, nhưng là Bà nội của Bác Hồ vĩ đại.
Hà Văn Tăng
Chú thích:
(1) Chu Trọng Huyến – kể chuyện về gia thế của Chủ Tịch Hồ Chí Minh NXB Thuận Hóa (tái bản lần thứ 7 có bổ xung sủa chữa năm 2010).
(2) Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ An: Hồ Chí Minh thời niên thiếu – tái bnản năm 2004.
(3) Trần Minh Siêu biên soạn Những Người thân tring gia đình Bác Hồ. NXB Nghệ An Năm 2001.
(4) Sơn Tùng – Búp Sen Xanh. NXB Kim Đồng năm 2011
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét