Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Hà Tông Huân (1697-1766) đỗ bảng nhãn khoa thi đình năm Giáp thìn (1724), niên hiệu Bảo Tháithứ 5. Vì khoa thi này không có trạng nguyênthám hoa, nên ông đỗ thủ khoa (Đình nguyên Bảng nhãn). Người đương thời vẫn quen gọi ông là ông Bảng Vàng, tức là bảng nhãn làng Vàng. Quê ông ở làng Kim Vực (nay thuộc xã Yên Thịnh, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá).
Ông được triều đình cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như tham gia soạn sử, dạy học ở trườngQuốc Tử Giám, làm Đốc Đồng, Đốc trấn, Hiến sát, rồi làm ngoại giao thu xếp việc biên giới vớinhà Thanh, đã giữ đúng quốc thể, giữ cho người ngoài phải kính nể. Ông từng giữ chứcThượng thư, rồi làm tể tướng, đứng đầu triều đình. Sự nghiệp văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn, ông được giới sĩ phu cùng thời hết sức ca ngợi.
Ông mất tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), thọ 70 tuổi. Sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ ông. Trong có đôi câu đối của người xưa ca tụng tài đức của ông."Sự nghiệp tam khôi thần báo trước""Văn chương bậc nhất được vua khen".

Hà Tông Huân (1697-1766) quê ở Núi Vàng, làng Kim Vực (xã Yên Thịnh, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa ngày nay). Từ nhỏ đã được mọi người mệnh danh là "Thần dồng Kim Vực" vì thán phục trí nhớ siêu việt của ông.

Đến tuổi niên thiếu, sau khi đã hấp thụ hết kiến thức của vị thầy đồ trong làng, Huân bèn rủ hai bạn đồng môn là Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ tìm đến thầy Trần Ân Chiêm, tục gọi quan Nghè Bón (vì ở làng Châu Bội hay làng Bón), sống tai xã Vĩnh Tường xin thụ giáo .

Khoa thi năm Mậu Tuất (1718), Hà Tông Huân đỗ đầu kỳ sĩ Vọng
Khoa thi Đình năm Giáp Thìn (1724) niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ Bảng Nhãn . Vì khoa đó không chấm ai Trạng Nguyên, Thám Hoa cũng không, nên mình ông đỗ cao nhất nước . Người đương thời gọi là ông Bảng Vàng . (Tức Bảng Nhãn làng Vàng, cũng là đứng đầu Bảng Vàng đề tên)

Triều đình cử ông giữ nhiều chức vụ:
- Soạn sử, dạy hoc trường Quốc Tử Giám
- Đốc đồng (thanh tra việc kiện cáo), đốc trấn (quan trấn thủ tỉnh hiểm yếu), Hiến sát (Quan giám sát luật pháp cấp tỉnh)
- Nhà Ngoại giao chuyên đàm phán các tranh chấp, mâu thuẫn với nhà Thanh (Trung Quốc).

Đỉnh cao sự nghiệp đến khi ông đương nhiệm chức Thượng Thư rồi Tể Tướng đầu triều .
Năm 65 tuổi, ông xin nghỉ hưu, song chúa Trịnh lại vời ông làm quan Chủ Khảo chấm kỳ thi Đình, rồi biên soạn lại sách dạy cho sĩ tử cả nước học . Sau khi việc Chúa Trịnh giao đã hoàn tất, ông lui về làng Kim Vực, vui thú điền viên cùng làng mạc chòm xóm .

Tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), ông qua đời ở tuổi 70.

Ngày nay các tác phẩm của ông lưu lại gồm một số bài văn bia, thơ, câu đối, các tập gia phả viết về những dòng họ tài danh thời bấy giờ .

Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ, tài đức ông được ca tụng qua hai câu đối:
"Sự nghiệp Tam Khôi trưng thần mộng
Nhất đẳng văn chương kết chủ tri"
Nghĩa là:
"Sự nghiệp Tam Khôi thần báo trước
Văn chương bậc nhất được vua khen"

Đại Việt Sử Ký Tục Biên còn ghi lại văn bài của các quan đồng triều, tiễn biệt ông lui về trí sĩ như sau:
"... Đáng quý thay! Thanh giá ông như vàng, ngọc; phẩm chất ông như phượng, loan . Năm 12 tuổi đỗ ở quận, năm 16 tuổi đỗ Hương giải nổi tiếng thần đồng, Vua Chúa đều biết ..

Rồi đỗ đầu khoa Hoành từ (khoa đặc biệt , trên cử nhân, dưới tiễn sĩ), đỗ Bảng Nhãn ...Bởi thế, làm quan trong, quan ngoài, đi đến đâu cũng đều tốt . Khi gặp việc khó khăn, giống như bổ củi rắn, gỡ tơ rối, cũng chỉ nhón tay là xong. Tới đất khách ở núi Bắc, hùng biện mà lấy lại được bờ cõi xưa . Ở Nam quan tiếp khách quý, đối đáp làm cho bớt cung đốn . Cho đến làm THừa tuyên, làm Trấn phủ , gần thì Sơn Tây, Sơn Nam, xa thì Thái Nguyên, An Quảng ... đến đâu cũng làm phúc tinh soi sáng mọi phương, làm giọt mưa ngọt thấm nhuần khắp cõi . Lúc đến thì dân mừng, lúc đi thì dân nhớ ... Lại còn lòng vẫn khiêm cung, chi dùng tiết kiệm . Lượng sống thênh thang, nguyên lão mà đề cử người tuổi trẻ . Ngôi sao thăm thẳm, đắc thời mà lại nhượng cho người sau . Đó là điều mà các vị danh tướng cũng khó làm được như vậy".


Giai thoại 1: Tả cây cau

Bản tánh năng động, tò mò thích tìm hiểu, ko chịu gò mình theo lề lối khuôn phép giáo dục xưa (dạy gì biết nấy, không được phản bác, phải tuân theo mẫu mực giáo huấn) khiến cậu thường bị khiển trách . Một lần bố phạt, trói vào gốc cau trong vườn cả buổi không cho chạy nhảy chơi đùa cùng chúng bạn . Cậu khổ sở cảnh bó buộc, xin bố tha cho ...Bố chỉ cây cau, ra điều kiện nếu cậu đặt được câu đối hay mới cởi trói cho . Huân ứng khẩu đọc ngay:
"Lưng đeo đai bạc bao trăm nén,
Đầu đội tàn xanh biết mấy tầng".

Câu đối đã tả thực hình dáng cây cau, giữa thân xòe ra một mo ôm lấy buồng cau hàng trăm trái, trên là những tàu lá xòe tròn như cái lọng .
Nghĩa bóng còn hay hơn, khẩu khí chứng tỏ cậu nuôi chí lớn, mộng thi đỗ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn mới được vua ban cho "Đai bạc", Lọng xanh .
Bố thấy cậu có chí khí, giỏi văn chương, lòng mừng thầm nên mới tha cho .

Giai thoại 2: Thầy nghè kén rể

Thủa Hà Tông Huân cùng Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ tìm sang làng Bón xin thụ giáo quan Nghè, đến đầu làng, thấy có người ngồi nghỉ dưới gốc đa, bèn vái chào mà hỏi thăm nhà quan Nghè . Người nọ đáp :
- Tôi ra vế đối, nếu các cậu đối được, tôi dẫn tận nhà quan, khỏi chỉ đường lôi thôi, đoạn đọc: "Đi đường đất thịt trơn như mỡ".

Quả thật, trời vừa mưa xong, đường làng trơn ướt, là cảnh tượng ngay trước mắt ... Giai, Kỳ còn đang suy nghĩ thì Huân đã đối : "Ngồi tựa gốc đa mát thấu xương".

Câu đối chọi chữ chọi ý tài tình : Da (cây đa cũng là cây da) với xương chọi lại thịt với mỡ . Lại dùng thành ngữ "Mát thấu xương" đối với thành ngữ "Trơn như mỡ" tưởng không còn vế đối nào hay hơn được .

người kia vụt đứng bật dậy, khen mãi: "Giỏi ! Giỏi ! ..." RỒi cười ha hả nhận dẫn đường cho ba cậu học trò . Đến nơi Huân, Giai , Kỳ mới biết: Quan Nghè Bón chính là ông ta chứ chẳng ai khác!

Lần nọ, thầy trò cùng nhau ra sông tắm mát, thầy mắc áo dài trên cành cổ thụ mọc bờ sông, tức cảnh sinh vế đối : "Bách niên cổ thụ vi ý giá" (nghĩa là cây cổ thụ trăm năm dùng làm giá treo áo)
Huân đối : "Vạn lý trường giang tác dục bồn" (con sông dài muôn dặm làm cái chậu tắm)

Thầy lấy làm hài lòng lẫn khâm phục, vì câu đáp của cậu luôn ẩn chứa chí lớn hơn hẳn vế đối ra .

Quan nghè Trần Ân Chiêm có ba cô con gái, ý thầy muốn gả cho ba học trò giỏi nhất của mình chính là Huân, Giai và Kỳ liền bàn với vợ . Bà Nghè muốn tường tận tính nết từng cậu qua tư cách, nên một hôm mới dọn riêng một mâm cơm dưới nhà (thường học trò học nhà thầy cùng ăn chung bữa), nhắn là mời riêng ba người .

Quá bữa đã lâu, bà mới cho gọi . Mấy cậu chắc mẩm sẽ được chén cỗ bàn thịnh soạn, ngờ đâu mâm cơm chỉ có ba suất, mỗi suất chỉ vỏn vẹn ba chén cơm và một quả trứng vịt luộc cùng ít nước mắm .

Bụng đói meo, nhìn quanh lại chẳng có người, không cần giữ ý tứ, mạnh ai nấy ăn .

Đỗ Huy Kỳ xắn trứng làm tư, ba chén cơm kèm 3 miếng trứng, miếng cuối dùng tráng miệng .
Trịnh Đồng Giai dầm nát quả trứng với nước chấm, chan đều ba chén rồi ăn .
Hà Tông Huân cho quả trứng vào miệng nhai ngon lành, kế đến ăn cơm với nước mắm .

Ông bà nghè nấp trong buồng quan sát, ý bà nghè ưng lối ăn của Giai, điều hòa, căn bản ắt đời luôn sung túc ấm no . Kế đến cách ăn của Kỳ cũng căn cơ tính toán, về sau cũng nhàn hạ sung sướng . Riêng Huân thì bà chê bai, ăn kiểu ấy chỉ là ngữ phá nhà phá cửa, sau rồi tán gia bại sản, vợ con khổ thôi .

Quan Nghè trái lại, vuốt râu cười khà, đoạn bảo vợ:
"Đấy chỉ là cách đánh giá thường tình của nhân gian, nào biết KẺ ĂN TO THÌ TO LỚN . Rồi bà xem, Khóa sau, Huân sẽ đỗ cao , quan to hơn hẳn bọn kia nữa là!"

Bà Nghè hoài nghi lắm, cho đến một hôm, bà nhờ 3 cậu phát giúp cỏ dại ở một đìa ruộng . Cả 3 vui vẻ sáng sớm vác dao liềm ra đồng . Xế trưa đi chợ về, bà tạt ngang qua xem, chỉ thấy Giai, Kỳ cắm cúi phát cỏ đã quá nửa phần ruộng được giao . Riêng Huân nằm dưới bóng râm, nón che mặt mà ngủ khì . Bực lắm, bà hộc tốc về mách lại cùng chồng . Thầy Chiêm chẳng nói gì, lững thững ra đìa đặng xem hư thực, bà Nghè theo sau, không ngớt lời chê bai dè bỉu Huân .

Đến nơi, ông bà Nghè chứng kiến Huân đang phạt cỏ nhanh soàn soạt, vượt luôn cả 2 bạn, cậu phát nhanh đến nỗi cua cá nổi lềnh bềnh, cụt đuôi sứt càng vì không kịp chạy .

Thầy Chiêm hài lòng lắm, bảo vợ:
"Học giỏi, làm lụng hơn người, Hà Tông Huân còn tiến xa nữa . Thật không phụ công ta nuôi dạy ".

Về sau, thầy trò càng tương đắc, ý thầy muốn tác duyên cho 3 cô con gái, mới nghĩ ra 1 cách: Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, thầy lấy chữ Kim (kim là vàng); Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, thầy mới trích chữ Ngọc ra; Huy Kỳ quê làng Thử Cốc thầy mượn chữ Cốc (ngũ cốc) , rồi gọi 3 con gái mà hỏi :

"Nay bố có 3 món: Lúa, Ngọc và Vàng, mỗi con chỉ được chọn một thứ, hãy nói bố nghe"

Cô cả chọn lúa, ông gả cho Huy Kỳ (sau đỗ Thám Hoa năm 1731).
Cô thứ chọn ngọc, ông gả cho Đồng Giai (sau đỗ Tiến Sĩ, tục gọi ông Nghè Vạc).
Riêng cô út chọn vàng, thầy gả cho người vùng Kim Vực, làng Vàng tức Hà Tông Huân, đỗ Bảng Nhãn mà người đời vẫn gọi là ông Bảng Vàng .

(vietpeek.com and Wikipedia)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Blog Archive