Đã 92 tuổi nhưng ông Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vẫn còn khỏe và minh mẫn. Chúng tôi đến thăm và được ông kể cho nghe kỷ niệm về bức ảnh Bác Hồ và dòng bút tích “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Bức ảnh ấy được ông phóng to, treo ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà mình...
Ông kể: Mùa Xuân năm 1950, lúc đó tôi là Chỉ huy trưởng mặt trận Bình Trị Thiên. Sau những trận chiến đấu giành thắng lợi trước quân viễn chinh Pháp, nhất là chiến dịch Lê Lai, mặt trận Bình Trị Thiên trở thành mối đe dọa thường trực của kẻ thù.
Tướng Các-păng-chi-ê sang nắm quyền Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Bơ-le-dô, đã triển khai thực hiện âm mưu mới, tấn công vào hậu phương của Việt Minh, phá hoại mùa màng để triệt hạ nguồn tiếp tế lương thực, làm suy yếu mặt trận Bình Trị Thiên. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập tôi ra Việt Bắc để tiếp nhận chỉ đạo mới của Trung ương. Đến trung tuần tháng 5-1950 tôi tới rừng Việt Bắc. Tại đây, tôi trực tiếp báo cáo tình hình Mặt trận với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Hoàng Văn Thái, Trần Đăng Ninh, Lê Liêm…
Sau khi làm việc với Bộ Tổng Tư lệnh, tôi được báo tin, sẽ có người dẫn đi gặp Bác Hồ. Suốt cả buổi chiều hôm đó, tôi như có lửa đốt trong lòng, hết đi vào lại đi ra. Cuối buổi chiều, tôi được một anh bộ đội đem ngựa đến đón. Khi đến nơi tôi mới biết hôm nay các đồng chí trong Trung ương tổ chức mừng sinh nhật Bác lần thứ 60. Bữa cơm mừng sinh nhật Bác được chuẩn bị khá tươm tất, ấm cúng, có cụ Bùi Bằng Đoàn và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Kế Toại, Hoàng Quốc Việt, Phan Anh…
Tôi đang hồi hộp thì Bác xuất hiện. Người mặc bộ quần áo màu chàm, tươi cười chào mọi người, nói lời cảm ơn rồi bước đến chỗ ngồi. Tôi được các đồng chí trong ban tổ chức ưu tiên cho ngồi gần Bác và vinh dự được phát biểu chúc thọ Bác.
Bác ân cần hỏi tôi về tình hình kháng chiến của quân dân Bình Trị Thiên. Tôi báo cáo với Bác về hoạt động chiến đấu của bộ đội và khí thế kháng chiến của nhân dân. Lần đầu tiên được ngồi bên Bác, tôi hồi hộp, lúng túng, nên vừa báo cáo vừa… run. Đồng chí Phạm Văn Đồng ngồi đối diện động viên tôi hãy bình tĩnh, kìm nén cảm xúc. Tôi lấy lại bình tĩnh và kể cho Bác nghe những trận chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi giòn giã, xứng đáng với danh hiệu “Bình Trị Thiên đau thương mà anh dũng”. Tôi thưa với Bác, những thắng lợi đó chính là món quà của quân dân Bình Trị Thiên tặng Bác. Tôi nói: “Thưa Bác! Trong các trận chiến đấu, khi xung phong tiêu diệt địch, bộ đội Bình Trị Thiên đều hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Lúc đó, ai cũng thấy như được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực”.
Nghe tôi báo cáo, Bác cảm động, mắt rưng rưng. Tôi vui sướng quên cả ăn. Thấy thế, Bác liền gắp thức ăn cho vào bát của tôi và động viên tôi ăn. Tôi cảm nhận tình cảm của Bác giống như của một người cha dành cho con.
Ăn cơm xong, tôi theo Bác cùng mọi người sang bàn bên uống nước. Tôi lấy bức ảnh chân dung Bác đã chuẩn bị từ trước ra thưa với Bác, xin Bác một chữ ký vào bức chân dung để đem về làm nguồn cổ vũ, động viên tinh thần cho quân dân mặt trận Bình Trị Thiên.
Bác đón nhận bức ảnh, đặt ngay ngắn lên bàn rồi cầm bút. Tôi hồi hộp chờ Bác ký tên, nhưng Bác không ký ngay mà cẩn thận viết vào phía trên và phía dưới bức chân dung dòng chữ “Kháng chiến nhất định thắng lợi” và ký tên Hồ Chí Minh. Bác trao lại cho tôi bức ảnh, ân cần dặn: “Chú Lâu về trong đó cho Bác gửi lời thăm và chúc mừng quân dân Bình Trị Thiên nhé. Bác chúc kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Tôi hạnh phúc trào nước mắt đón nhận cái bắt tay của Bác. Tôi cứ muốn nắm thật chặt, thật lâu bàn tay nồng ấm của Bác để tiếp nhận từ Người nguồn sức mạnh, niềm tin kháng chiến nhất định thắng lợi.
Tôi trở lại mặt trận Bình Trị Thiên, kể lại cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nghe chuyện được gặp Bác, truyền đạt lại lời căn dặn của Bác và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và đưa mọi người xem bức chân dung với lời chúc của Bác. Ai cũng phấn khởi, cảm động, thề sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện bằng được lời Bác dạy “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Đã gần 60 năm trôi qua, tôi cũng đã vào ngưỡng “gần đất xa trời” nhưng lần gặp Bác năm ấy ở Việt Bắc vẫn như vừa mới hôm qua. Tình cảm và tấm gương sáng ngời của Bác, những lời căn dặn của Bác ngày ấy trở thành hành trang vô giá suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Còn sống ngày nào tôi nguyện giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng theo lời Bác dạy.
PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét