Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

PHÒ MÃ HÀ DI KHÁNH
Hà Minh Thắng

Ông là Thái phó, Tri châu Vị Long thuộc Chiêm Hoá, Tuyên Quang ngày nay và là chủ nhân của tấm bia cổ chùa Bảo Ninh Sùng Phúc do Lý Thừa Ân thực hiện năm 1107. Thân phụ ông đã từng cầm quân đánh giặc Tống, lập công trong chiến dịch “Tiên phát chế nhân” táo bạo dưới sự chỉ huy tài tình của Thái uý Lý Thường Kiệt. Ông nội là Thái bảo Tri châu Vị Long lấy con gái của công chúa thứ ba, con vua Lý Công Uẩn, người sáng lập ra Triều Lý. Đến Hà Di Khánh lấy em gái vua Lý Nhân Tông và là người họ Hà thứ hai làm Tri châu Vị Long được làm Phò mã, sánh ngang với họ Thân (Giáp) ở Châu Lạng nổi tiếng cùng thời. Nối tiếp các tước vị và sự nghiệp của tiên tổ, Hà Di Khánh có công lao gìn giữ và xây dựng một vùng biên cương trọng yếu rộng lớn tới 49 động, 15 huyện của nước Đại Việt, xứng tầm là Danh nhân lịch sử, cần được tôn vinh.

          Đó là những điều ghi nhận quan trọng tại Hội thảo “Về các danh nhân họ Hà châu Vị long-Tuyên Quang và giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự” do UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Ban liên lạc họ Hà Việt Nam tổ chức thành công tại Thành phố Tuyên Quang vào ngày 23/8/2012 vừa qua.
          Tên tuổi của Hà Di Khánh còn ít được nhắc tới, có chăng chỉ biết đôi dòng khiêm tốn trong Đại việt sử ký toàn thư (1) và Việt Sử lược (2)… Cuộc đời và sự nghiệp của ông lại ở chính tấm bia cổ chùa Bảo Ninh Sùng Phúc như trang sử đá do ông xác lập hiện còn ở Yên Nguyên, huyện Chiêm hoá. Đó là một trong 18 tấm bia thời Lý có niên đại từ năm 1090 đến 1174 và là tấm bia duy nhất nằm ở một tỉnh miền núi phía Bắc; còn lại đều ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá, nên tấm bia này qúy hiếm và có giá trị nhiều mặt. Số phận của tấm bia cũng long đong, nhuộm màu kỳ bí như huyền thoại lưu truyền trong nhân gian. Văn bia xác định chùa Bảo Ninh Sùng Phúc do Thái phó Hà Di Khánh chỉ đạo xây dựng đến nay trên 900 năm. Chùa được trùng tu thời hậu Lê, thời Nguyễn, sau trở thành phế tích và quên lãng, chỉ còn tấm bia hầu như nguyên vẹn thi gan cùng tuế nguyệt ở Khuôn Khoai, chân núi Đan Hán, nay là Làng Tạc, xã Yên Nguyên. Chuyện kể rằng tấm bia xưa kia ở đâu đó do một bọn người lạ khiêng đến Khuôn Khoai, làng Tạc bây giờ; sau lúc dừng chân muốn tiếp tục đi nhưng không sao chuyển bia được nữa, đành phải bỏ lại. Theo thám sát mới nhất về khảo cổ học với các dấu vết gạch ngói, đá kê,…xác nhận tấm bia vẫn ở trên cùng mảnh đất dựng chùa cũ nơi thâm sơn cùng cốc gần thiên niên kỷ; mà vào thời Lý xây chùa để thờ Phật và là nơi dừng chân của Vua mỗi khi đi qua. Khi chùa đổ nát, tấm bia cũng bị thời gian và cây rừng phủ lấp. Trước năm 1945 chùa này thuộc xã Yên Lũng, Yên Cốc và Vĩnh Khoái của châu Hàm Yên do dân ba xã cúng tế chung.
Trong kho thác văn bia do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tập từ năm 1938 đến 1945 đã bỏ sót văn bia này. Mãi đến năm 1961 được nhân dân địa phương phát hiện, viết thành báo cáo đề ngày 26/3/1963, sau đó Trần Huy Bá dịch và công bố văn bia năm 1969. Năm 1972, khi biên soạn công trình Thơ văn Lý Trần do Viện Văn học thực hiện lại tiếp tục công bố nội dung văn bia do Đỗ Văn Hỷ dịch.
          Ông Hà Quang Dự là người con của Chiêm Hoá, nguyên Bộ trưởng , Chủ nhiệm UBTDTT kể rằng năm 1974 khi còn làm cán bộ UBND huyện Chiêm Hoá, còn thấy tấm bia này và nó được nhân dân địa phương nhắc đến với sự tôn kính thiêng liêng. Thế mà năm 1978 khi xuất bản Văn khắc Hán Nôm của Viện Hán Nôm lại cho rằng tấm bia đã bị mất! Cũng vào năm đó tấm bia đã được tỉnh Tuyên Quang cho xây dựng nhà bia hẳn hoi ngay nơi phát hiện. Đến năm 2012 trên nền
 


(1) Ngô Sỹ Liên và các sứ thần triều Lê, Đại việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội.1972
(2) Khuyết danh, Việt sử lược-Trần Quốc Vượng dịch. NXB Thuận Hoá, TTVH ngôn ngữ Đông Tây-2005


nhà bia này đã khánh thành ngôi chùa mới theo kiến trúc cổ, có cổng tam quan với nhà đón khách khang trang trong tổng diện tích quy hoạch 16.350m2.
 Ngoài ban thờ Phật, ở đây còn có ban thờ họ Lý và ban thờ họ Hà. Một nhà bia mới đẹp đẽ hơn đã được dựng ngay bên phải chùa trong đó bên tấm bia cổ kính còn có tấm bia bằng bê tông hình khối tương tự, khắc chữ Quốc ngữ để mọi người hiểu được nội dung của văn bia xưa
          Tấm bia đá cổ cao 145cm, rộng 80cm có đế hình rùa, bị nứt vỡ một góc phía dưới, có nét chung của bia thời Lý. Tất cả có 1250 chữ Hán, khắc chìm kiểu chân khải trong đó còn 1169 chữ khá rõ. Tên bia khắc thể hình thư 6 chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” có rồng chầu ở hai bên trán bia. Nội dung văn bia nói những lời ca tụng và chỉ gốc tích vị Phò ký lang họ Hà với việc người cha đi đánh Ung châu, còn được lấy em gái Vua và việc làm chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Tấm bia này sánh ngang với các bia ở Văn Miếu, là nguồn tư liệu quí của quốc gia, mốc dấu văn hoá văn minh Đại Việt thời Lý và được công nhận di tích lịch sử Quốc gia năm 1998. Đây cũng là một trong số rất ít bia đá ghi về nhân vật lịch sử. Do đó vấn đề quan tâm đầu tiên là nhân vật được đề cập trong bia và chủ nhân của tấm bia là ai hội thảo đã rõ.
Trong sách Văn bia thời Lý của nhóm tác giả do Nguyễn Văn Thịnh chủ trì đã giải thích rõ về vị họ Hà (Hà Công) trong bia được Trần Huy Bá trước đây dịch là Hà Công Tông (hoặc Tung), Đỗ Văn Hỷ dịch là Hà Hưng Tông, nay xác định là Hà Di Khánh. PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng chữ Tông (hoặc Tung hay Hưng) được khắc ở bia trong một ô chữ, có thể chữ này do truyền ngôn mà người đời sau đã khắc thêm vào để chỉ rõ Hà Công có tên tự (hoặc hiệu) là Hưng Tông. Khi làm bia phải kiêng huý không khắc tên người còn sống nên bỏ trống Trong sử sách cho đến bây giờ chưa phát hiện có nhân vật nào là Hưng Tông như trước đây đã hiểu mà chỉ có Hà Di Khánh với sự kiện lịch sử rất trùng hợp với sự tích được ghi trên bia. PGS.TS Lê Đình Sỹ cũng đưa ra một tên khác nữa là Hà Duy Thái nhưng chưa có tài liệu cụ thể. Mặc dù còn có những chi tiết khác nhau nhưng tiểu sử vị Thái phó Tri châu Vị Long này bước đầu thống nhất.
Hà công tên là Hà Di Khánh tự hiệu là Hà Hưng Tông (hoặc Tung)
Giữ chức Thái Phó, Tri châu Vị Long từ năm 1086
Năm sinh: Kỷ Dậu – 1069
Dân tộc: Tày
Tôn giáo: đạo Phật
Cao tổ là Hà Đắc Trọng, từ phía Bắc tới khởi nghiệp ở đất Vị Long như nơi đất lành chim đậu khoảng từ năm 905 đến 920. Làm tù trưởng có thế lực hoặc thủ lĩnh ở địa phương, ông chăm lo cho dân ấm no, yên bờ cõi nên người đời kính trọng, tôn trưởng. Trải qua 5 đời đến ông nội của Hà Di Khánh có công lao đối với dân với nước, coi giữ châu Vị Long tới 49 động 15 huyện nên được lấy con của công chúa thứ 3 của Thái tổ Hoàng đế Lý Thái Tổ trở thành phò mã nhà Lý
Các nhà khoa học lịch sử cho rằng châu Vị Long thời bấy giờ rất rộng tương đương đơn vị cấp tỉnh thời Nguyễn, chí ít cũng gồm 3 huyện Chiêm Hoá, Na Hang và Hàm Yên ngày nay; thậm chí vươn tới Sơn Dương, Yên Sơn hoặc cả đất Vị Xuyên của Hà Giang. Danh xưng Vị long tồn tại từ triều Đinh-Lê-Lý-Trần-Hồ. Khi thuộc Minh đổi thành Đại Man. Năm 1831 đổi thành Chiêm Hoá đến nay. Có lúc là châu Khánh Thiện.
Phải là người có thế lực đứng đầu một vùng đất rộng lớn và quan trọng thuộc “phên dậu Trung châu, địa đầu quan yếu” như Vị Long mới xứng đáng làm phò mã trong chính sách “nhu viễn” khôn ngoan thời Lý mà các thủ lĩnh họ Hà vùng này đã nổi danh thế tục qua rất nhiều đời.
Văn bia ghi: Lớn lao thay họ Hà
……...Tiếng lành rạng rỡ
Tổ tiên qua đời
Thì cháu con nối gót
Bốn mươi chín động
Đúng mười lăm đời
Bảo toàn sông núi
Vỗ yên nhân dân bằng điều nhân ái.
Nhà Lý cũng đã gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở châu Lạng là Giáp Thừa Quý (sau đó đổi thành họ Thân). Con trai là Thân Cảnh Nguyên được vua Lý Thánh Tông gả công chúa Thiên Thành vào năm 1066.
Năm 1036 nhà Lý cũng gả công chúa Kim Thành cho châu mục Châu Phong là Lê Thuận Tông và công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiện Lãm. Nhóm tác giả Văn bia thời Lý nhận định Hà Thiện Lãm rất có thể là người ông nội đáng kính của Hà Di Khánh ở Vị Long? Vấn đề còn bỏ ngỏ, cũng như Hà Di Khánh còn có tên gọi nào nữa không, đến nay cũng chưa rõ
Việt sử lược ghi: Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng, năm thứ 7 (1082) mùa xuân, tháng 2, gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục Vị long là Hà Di Khánh. Đại việt sử ký thời Lê, Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn đều ghi nhận sự kiện này
Văn bia miêu tả lương duyên đẹp đẽ đó khá tỉ mỉ:
…….  Yến tiệc linh đình
          Đủ lễ thân nghinh trịnh trọng
          Nghi thức chín, mười người xe ngóng trông tựa đống
          Ngôi cao ngũ lục, chị em tập hợp như mây
Triều đình lúc đó muốn khống chế các thế lực ở địa phương vùng biên viễn, đã dùng cách kết giao thông minh hiệu quả qua hôn nhân để ràng buộc. Các thủ lĩnh ở các vùng dân tộc khi đã trở thành phò mã, có chức tước trong triều đình sẽ trở thành đắc lực cho chính quyền ở Trung ương. Họ Thân ở châu Lạng là một điển hình;  ba đời nối tiếp làm phò mã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước thời Lý, đến nay các dân tộc ở địa phương vẫn rất mực tôn thờ.
Họ Hà ở châu Vị Long cũng vậy. Kể từ Hà Đắc Trọng cai quản châu Vị Long đã có 02 ông và cháu Hà Di Khánh được làm phò mã nhà Lý. Đến năm 1180 lại có Hà Công Phụ, Tri châu Vị long lấy công chúa Hoa Dương. Rất có thể vị phò mã này là cháu, chắt, hậu duệ của Hà Di Khánh?
Châu Vị Long có vị trí địa - chính trị - quân sự quan trọng nên mới được triều đình quan tâm và ưu ái đến như thế.
Việc chọn Hà Di Khánh làm phò mã diễn ra sau chiến thắng giặc Tống vài năm và khi đó Hà Di Khánh còn nhỏ tuổi chắc không phải là ngẫu nhiên hoặc còn có liên quan đến điều gì nữa chăng.
Văn bia cho thấy rằng ông nội của Thái phó sinh được 4 trai, 3 gái đều là người tài sắc, đảm đang. Cha của Thái phó là người mẫu mực vì nước vì dân. Ông cũng là rể họ Lý, lấy con gái thứ 6 của Thái thú châu Phú Nghĩa (nay là Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Hà Di Khánh là con trai thứ tư, cũng như các anh chị đều được dưỡng dục chu đáo, đào tạo hợp cách, con trai lo dùi mài kinh sử, con gái chăm chỉ nữ công gia chánh…
Đặc biệt trong chiến dịch “Tiên phát chế nhân” (1975-1976), thân phụ Thái phó đã huy động lực lượng, chỉ huy cánh quân Vị Long đánh thành Ung Châu, lập chiến công, bắt tướng giặc… Do đó ông được vua ban chức Hữu đại liêu ban, Đoàn luyện sứ . Song rất tiếc là trước đây do không có thông tin tư liệu về tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự nên khi viết cuốn sách công phu về Lý Thường Kiệt xuất bản năm 1949, GS Hoàng Xuân Hãn đã không biết đến có cánh quân của vị chỉ huy họ Hà châu Vị Long cũng tham gia mà đã được ghi trong bia.
Chúng ta biết vào năm 1074 vua Tống theo mưu kế của Vương An Thạch đã cho huy động khoảng 10 vạn quân, lập 5 liên trại thuộc châu Ung, châu Khâm, châu Liêm sát theo biên giới nước ta để chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, đặc biệt là châu Ung có lực lượng mạnh do lão tướng Tô Giám chỉ huy. Thái uý Lý Thường Kiệt cho rằng: ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước bẻ gẫy mũi nhọn của chúng. Nên cuối năm 1075 các đạo quân của ta từ các châu Quảng Nguyên, Quang Lang, Tô Mậu, Lạng châu và Vị long do các thủ lĩnh Tông Đản, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Vi Thủ An và vị thủ lĩnh họ Hà chỉ huy chia nhiều mũi bất ngờ tấn công vào đồn trại quân Tống làm cho chúng tổn hại nặng nề, và điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta giành chiến thắng oanh liệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 khi quân Tống đánh sang.
Chiến dịch “Tiên phát chế nhân” nổi tiếng, đánh thành Ung châu rất ác liệt, có sự đóng góp của quân dân châu Vị long đến nay mới được nhắc tới.
Người soạn văn bia cho Hà Di Khánh chính là Lý Thừa Ân là Triều liệt (thỉnh) đại phu, Đông thượng cáp môn sứ, Thượng thư viên ngoại lang, Tứ tử kim ngư đại đã đi sứ sang Tống năm 1132. Ông thuộc hàng đại thần, không thể ghi chép tuỳ tiện được. Do đó, ngoài đóng góp về sử học, phật học, văn học, những điều ngắn gọn về thân phụ Hà Di Khánh là tư liệu lịch sử quân sự rất quý báu cần được bổ sung và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Trong thời kỳ chiến tranh, Hà Di Khánh còn nhỏ, năm Đinh Tỵ (1077), mới 9 tuổi (tính cả tuổi mụ), ông được về Thăng Long, sống trong Hoàng cung, làm quen với hoàng tộc. Hà Di Khánh được kết bạn với công chúa cùng trang lứa, rồi được phép trở về Vị Long.
Năm Mậu Ngọ (1078), Hà Di Khánh được ban chức Văn tử lang trung kiểu, được kết duyên với công chúa Khâm Thánh, nhân đó được phong chức Tả đại liêu ban. Phải chăng đây cũng là cách dùng người, phát hiện nhân tài và bồi dưỡng nhân tài rất đắc dụng thời Lý. Năm 1085 cha mẹ đều mất. Năm Bính Dần (1086) tròn 18 tuổi, Hà Di Khánh được nối tước của cha làm Tả đại liêu ban giữ chức Tiết độ sứ, Tri châu Vị Long hàm Kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu Thái phó. Tập tước từ vị tằng tổ.
Sau đó ông được thăng Phò Ký lang (tức Phò mã), Đô tri tả vũ vệ Đại tướng quân, Kim tử quang lộc Đại phu, kiểm hiệu Thái phó, Đồng Trung môn hạ Bình chương sự kiêm Quản nội khuyến nông sự, Thượng trụ quốc, hưởng ấp 3900 hộ, thực lộc 900 hộ. Cùng thời có Thái phó Nội trưởng quan Lưu Khánh Đàm hưởng thực ấp 6700 hộ, thực phong 3000 hộ; Thái úy Lý Thường Kiệt hưởng thực ấp 10.000 hộ, thực phong 4000 hộ.
PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện sử học) giải thích về một số chức quan của Hà Di Khánh như sau:  
          - Tả đại liêu ban: là một tước phong, xếp vào hàng ngũ quý tộc, là công thần
          - Tiết độ sứ: là chức quan đứng đầu việc quân và chính quyền ở một địa phương, ở đây là châu Vị long và vùng kiêm quản
          - Kim tử quang lộc đại phu: Đối chiếu với nhà Tống đương thời phù hợp với chức Lại bộ thượng thư, trật chánh nhị phẩm
- Kiểm hiệu: như chế độ Tham tư, một loại nhiệm dụng không chính thức
- Thái phó: là chức cao trong hàng Tam công tương tự như Tư đồ, Tư mã, Tư không, sau này gọi là Thái sư, Thái phó, Thái bảo đều mang hàm chánh nhất phẩm. Thời Lý coi đây là danh hiệu giao cho đại thần, có người kiêm làm Tể tướng như Tô Hiến Thành đời Lý Anh Tông.
- Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự: là cùng các quan trong cơ quan làm việc của Tể tướng bàn luận quốc sự. Chức quan này phải từ hàng ngũ phẩm trở lên. Chức Kiểm hiệu Bình chương sự còn giao cho những nhân vật nổi tiếng như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành đều giữ chức này.
- Kiêm quản nội khuyến nông sự: Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường, đây là chức quan trông coi nông nghiệp. Tri châu Hà Di Khánh đã thực hành chính sách Tỉnh điền, ruộng đất chia làm 9 khu, giữa là ruộng công, 8 khu ngoài để dân cày cấy và những người dân này chung sức sản xuất khu ruộng công.Việc đánh thuế cũng giảm nhẹ, cứ 100 mẫu ruộng chỉ phải nộp thuế 01 mẫu. Ông đã thực hiện chính sách mà đời sau gọi là “Khoan thư sức dân”, “ngụ binh ư nông”. Nhờ có chính sách khuyến nông tiến bộ và khoa học mà đời sống nhân dân Vị long được nâng cao. Văn bia tả cảnh: Thóc lúa ùn ùn như núi. Khách khứa 3000 đông đúc cửa nhà, nhộn nhịp phố phường. Thời Lý là thời thịnh trị, đánh dấu bước phát triển rực rỡ của Đại Việt mà cảnh tả ở Vị Long là một điển hình.
Ở đây, Hà Di Khánh được Lý Thừa Ân so sánh với tứ công tử thời Chiến Quốc như Mạnh Thường Quân là người giàu có, hào hoa, quyền thế và được lòng dân. Hà Di Khánh có công lớn về kinh tế phát triển dân sinh, còn có công phát triển văn hoá, góp phần truyền bá đạo Phật cho đồng bào dân tộc ở thượng du. Ông Vua khởi nghiệp nhà Lý xuất thân là nhà sư. Các vua Lý đều tôn sùng đạo Phật nên quý tộc, quan lại đều mộ Phật; Hà Di Khánh không ngoại lệ. Cho nên vào năm 1107, ngót 40 tuổi, đủ độ chín cả về thể chất, tinh thần, Hà Di Khánh cho xây dựng chùa Sùng Phúc ở đất Bảo Ninh, thuộc Trấn Vọng quốc (theo cách giải thích của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, Viện Hán Nôm) và cho dựng bia này.
Thái phó Hà Di Khánh quan niệm rằng: “Nước xây dựng trên đạo thì vững như cột đá, dân hấp thụ giáo hoá thì thuận như dòng sông”. Cho nên 17 viên đá kê chân cột là  dấu tích còn lại của ngôi chùa cổ lỗng lẫy mà văn bia đã nói rõ lai lịch: Vào rằm xuân, năm Đinh Hợi (1107), niên hiệu Long phù Nguyên hòa, Hà Di Khánh đưa các hương lão địa phương đến xem đất ở vùng góc quận ấp để dựng chùa. Đốn ngã cây rừng, chọn thợ tài xây nhà cửa. Thanh xà uốn cong cong, ngỡ cầu vồng bắc nhịp, mái hiên chùa uốn lượn, tưởng chim núi tung bay. Chùa phấn sức xung quanh, tượng vàng bày lấp lánh.
Tri châu phò mã rất quan tâm đến văn hoá và đề cao vai trò đạo Phật – Ông cho dựng chùa như văn bia mô tả còn là để cầu nguyện cho nhà vua trường thọ, giữ đạo Phật trường tồn, tổ tiên có nơi hương khói đời đời, vợ con được an khang thịnh vượng mãi mãi. Một tri châu tín mộ Phật, trung thành với vua, hiếu kính với cha mẹ, tình nghĩa với vợ con cho chúng ta một tấm gương. Ông cho dựng chùa và khắc bia với dụng ý rất thực tế để làm cơ sở cho việc dưỡng dục văn hoá dân chúng và các thế hệ nối tiếp. Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc rõ ràng là một thiết chế văn hoá đặc biệt quan trọng ở địa phương và cơ sở lúc đó. Hà Di Khánh là người có công đầu trong việc đưa phật pháp với những điểm ưu việt, tính nhân văn vốn có đến với người dân Vị long và vượt xa các bậc tiền bối mình trong việc dẫn dắt con dân vùng biên cương này đến với đạo Phật một cách sâu sắc, thiết thực. Đó cũng là cách giữ vững biên cương, bảo vệ bờ cõi tốt nhất cần phải có lúc đó sau những cuộc chiến tranh, nổi loạn, xung đột. Đó cũng là cách gắn kết giữa người dân ở biên viễn xa xôi với nhà nước ở Trung ương tốt nhất mà Hà Di Khánh đã cố gắng thực hiện, đáp ứng yêu cầu của Triều đình và nhà vua lúc đó. Trong đầu có vua, trong tim có Phật, trong mắt có dân, Hà Di Khánh chia sẻ rằng phải tu nhân tích đức, răn dạy người đời chớ tham - sân - si, xây điều thiện, giữ điều lành là những báu vật hơn cả châu báu.

 Xây chùa tô tượng đúc chuông
 Ba công đức ấy thập phương nên làm.

          Ngôi chùa xưa đổ nát nay đã được xây dựng lại mới, cùng với tấm bia cổ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và nhà nước đầu tư kinh phí tu tạo. Tổng dự toán công trình là 8,8 tỷ đồng, đã được cấp gần 5 tỷ dồng còn lại cần sự đối ứng của địa phương và huy động xã hội hóa.
          Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân với tiền nhân, Ban liên lạc họ Hà Việt Nam đã nghiên cứu và phối hợp với UBND huyện Chiêm Hoá tổ chức Toạ đàm về giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự. Lại được sự hưởng ứng của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đã huy động 15 nhà nghiên cứu thuộc Viện sử học, Viên nghiên cứu Hán Nôm, Viện lịch sử quân sự tham gia hội thảo với 18 bài tham luận cho Hội thảo khoa học “Các danh nhân họ Hà châu Vị Long-Tuyên Quang và giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng phúc tự ” thành công. GS.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử VN cùng bà Vũ Thị Bích Việt, Uỷ viên thường vụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và ông Hà Văn Lợi, Trưởng ban liên lạc họ Hà Việt Nam đã chủ trì cuộc hội thảo. Ngoài các đại biểu thuộc các sở, ban ngành và lãnh đạo các huyện của Tuyên Quang tham dự hội thảo còn có các đại biểu các dòng họ Hà của các tỉnh Hà Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội về dự. Nhiều đại biểu là người mang họ Hà nguyên là lãnh đạo hoặc là lãnh đạo của các cơ quan ở Trung ương và nhiều địa phương cũng có mặt như ông Hà Quang Dự, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT; Tiến sỹ Hà Phúc Mịch, Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam, ông Hà Minh Huệ , Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cũng có mặt và phát biểu ý kiến. Đặc biệt là bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dân vận Trung ương không về dự được đã có thư mừng. Ông Hà Hùng Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi lẵng hoa chúc mừng . Điều này cho thấy ý nghĩa sâu sắc của Hội thảo này. Nó diễn ra ngay sau khi Tuyên Quang long trọng tổ chức đón Bằng công nhận Di tích lịch sử Tân Trào là Di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
          Trở về với Tuyên Quang, không chỉ là trở về với quê hương cách mạng với Thủ đô kháng chiến mà còn là trở về với cội nguồn đất nước, với dân tộc mà vùng Chiêm hoá ngày nay vốn là trung tâm của Vị long xưa như một điểm hẹn được người dân Chiêm Hoá nói riêng, Tuyên Quang nói chung chuẩn bị từ nghìn năm về trước. Vị Long có núi, có sông với hệ sinh thái đa dạng, cây loài phong phú, nhiều lâm thổ sản, động thực vật quý hiếm. Nơi đây từng có đường thuỷ bộ phát triển, giao thương buôn bán sầm uất từ cổ đại. Lịch sử còn ghi nhận năm 1006, châu Vị long dâng con ngựa trắng, bốn chân có cựa. Năm 1060, dâng con voi trắng. Năm1012 triều đình vây bắt bọn buôn lậu thu được được hơn một vạn con ngựa. Những năm 70 thế kỷ trước người ta còn thấy ở Chiêm Hoá có chiếc sanh lớn bằng đồng, có 12 ngăn có thể nấu 12 món cùng lúc cho hàng chục người ăn. Ẩm thực ở đây cũng đậm sắc màu văn hóa dân tộc, trong đó có thứ bánh gai ngon nổi tiếng. Vị Long xưa, Chiêm Hoá ngày nay là một địa chỉ đỏ, nơi đến của du lịch văn hoá tâm linh và sinh thái mà chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là điểm dừng chân.
          Nhiều nhà khoa học trong hội thảo đã đề xuất cần hoàn thiện các hạng mục của chùa Bảo Ninh Sùng Phúc để phục vụ du khách đến thăm quan thưởng lãm. Do vị trí độc đáo và giá trị lịch sử tấm bia nên cần có phiên bản như bản gốc và đặt ở Bảo tàng Tuyên Quang để những ai không có điều kiện đến Chiêm Hoá có thể tìm hiểu. Nên xây dựng một đền thờ họ Hà ở Chiêm Hoá, trong đó suy tôn Hà Đắc Trọng là một vị tổ. Hiện nay, một số dòng họ trong nước cũng đã và đang vấn tổ tầm tông, suy tôn tổ họ như:Vũ Hồn với họ Vũ (Võ) Việt Nam, Hồ Hưng Dật với họ Hồ, Trần Kinh với họ Trần, Thân Thừa Quý với họ Thân, Tô Lịch với họ Tô, Phạm Tu với họ Phạm,…
Theo hướng này, PGS.TS Nguyễn Minh Tường(Viện sử học) rất mạnh mẽ đề xuất do công lao và sự nghiệp của Thái phó Hà Di Khánh đối với lịch sử nước nhà, xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân lịch sử văn hoá. Ông còn trân trọng đề nghị tỉnh Tuyên Quang lựa chọn một phố đẹp ở Thành phố Tuyên Quang đặt tên “Phố Hà Di Khánh”. Nhóm tác giả cuốn sách do GS Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Bính chủ biên: Việt Nam-các nhân vật lịch sử văn hoá cũng đã ghi danh Hà Di Khánh cùng với gần 1000 nhân vật được chọn lọc trong lịch sử. Từ Điển Bách Khoa Đất Nước con người Việt nam do GS-NGND Nguyễn Văn Chiển và TS Trịnh Tất Đạt đồng chủ biên – NXB TĐBK (tái bản lần thứ 2) cũng ghi danh Hà Di Khánh.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là thiết chế đa năng vốn đã hấp dẫn, sau khi trùng tu tôn tạo, không thể chỉ khói hương, gõ mõ theo kỳ cuộc đơn điệu. Nên chăng phải nghiên cứu phục dựng lại những lễ hội cần có phù hợp và mang dấu ấn thời Lý vào các dịp Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, hội phóng đăng như Hội Quảng Chiếu ở Hà Nội đang làm,…Ngoài những hạng mục công trình đã được Nhà nước cấp kinh phí, rất cần sự đóng góp công đức của người dân, của xã hội theo tinh thần xã hội hoá để các hạng mục đang dở dang hoặc còn làm tiếp cần hoàn thiện như gác chuông, vườn cảnh, đường đi,…Quả chuông to, nặng 850kg đã đúc xong, nằm phía trái chùa đang chờ ngày được treo lên và ngân vang bên dòng suối Yên Nguyên róc rách chảy uốn khúc phía trước chùa từ bao đời nay.
Quản lý, sử dụng và khai thác di tích văn hoá cũng như chùa Bảo Ninh Sùng Phúc vào hoạt động đúng mục đích, yêu cầu, phát huy cao ý nghĩa tác dụng giáo dục là thể hiện sự tri ân đối với tiền nhân, tâm linh tín ngưỡng đúng mức của người Việt Nam trong thời đại mới.
Vị long - Tuyên Quang là đất địa linh nhân kiệt. Thân thế, sự nghiệp của Thái phó, Tri châu, phò mã Hà Di Khánh đã quá rõ ràng và là nhân chứng thể hiện điều đó. Công lao của các bậc tổ tiên đến Hà Di Khánh với tầm nhìn xa trông rộng rất đáng trân trọng. Chắc chắn các đời con cháu chắt và nối tiếp về sau đã tiếp tục sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước, bảo vệ bờ cõi vững bền cho đến nay cũng rất đáng kính nể.
Việt sử lược ghi lại rằng: mùa đông năm 1180 thủ lĩnh châu Vị long là Hà Công Phụng lấy công chúa Hoa Dương. Tuy chưa có điều kiện nghiên cứu và tìm hiểu về nhân vật này, nhưng chắc chắn đó là người họ Hà ở Vị long xưa, rất có thể cũng là hậu duệ xa gần với Hà Di Khánh theo chính sách tập phong của triều Lý. Nếu không phải là người có họ hàng thì vẫn là người ở Vị long chịu ân huệ của Hà Di Khánh từ trước đó cũng như các dân tộc châu Vị long mà mới có được.
Vị long xưa đã là cơ sở vững chắc tin cậy của nhà Lý không phải ngẫu nhiên lại trở thành căn cứ địa của Cách mạng bởi mảnh đất hiểm yếu khó công, dễ thủ; bởi con người ở đây vẫn kiên trinh, yêu lao động, chuộng hoà bình, trân trọng các giá trị văn hoá và cầu mong tiến bộ mà những người như Hà Đắc Trọng, Hà Di Khánh đến Hà Công Phụng là những điển hình tiên tiến từ ngàn năm trước đã dày công xây dựng.
Chiêm Hoá, Tuyên Quang bây giờ là đất “cơ mi” và là “mảnh sót” còn lại theo cách gọi của các nhà khoa học về Vị long xưa đã nổi danh qua thời kỳ Cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp về sự kiên cường, anh dũng của mình. Mảnh đất Yên Nguyên của Chiêm Hoá cũng vậy - một xã Anh hùng với những chiến công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Yên Nguyên cũng đã được chọn là nơi xây dựng mô hình điển hình về văn hoá của nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta càng tự hào bởi Chiêm Hoá, ngày nay cũng sản sinh ra những người trai tài, gái đảm, bám đất, bám bản xây dựng quê hương giàu mạnh, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, mà tiêu biểu là những người con họ Hà từ Yên Nguyên, từ Chiêm Hoá trưởng thành, phát triển đang có mặt ở khắp các nơi với các cương vị khác nhau ở các cơ quan từ địa phương đến Trung ương.
Một vài thí dụ như: ông Hà Quang Dự làm cán bộ ở Chiêm Hoá khi còn rất trẻ, vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rồi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT như Thượng thư trước đây.
Một gia đình họ hàng gần gũi với ông là gia đình có công với Cách mạng. Tất cả có 10 người con trai và gái, trong đó có 02 người là thương binh, những người còn lại đã và đang công tác ở xã, huyện Chiêm Hoá, ở các huyện của Tuyên Quang và tỉnh Tuyên Quang. Người con trai thứ năm là Tiến sỹ Hà Phúc Mịch, hiện đang là Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt có người con thứ ba trong gia đình nhưng gái là đầu, là bà Hà Thị Khiết như bông hoa đẹp của xứ sở, nguyên là Bí thư tỉnh uỷ Tuyên Quang, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nay là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Một nhà như thế, một dòng họ như thế rất đáng trân trọng. Một vùng quê có những người con như thế, một dân tộc có những người đồng bào, đồng chí như thế rất đáng tự hào. Phải chăng điều đó cũng có nguyên nhân từ xa xưa, có cơ sở từ nguồn cội. Chúng ta chưa biết được những trường hợp khác giống như gia đình nêu trên, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số phải nói là quý hiếm, dù có hay không có liên hệ gì về gene, về dòng tộc nhưng chắc chắn từ Hà Di Khánh và xa hơn về trước kể từ Hà Đắc Trọng đến Hà Quang Dự, Hà Thị Khiết ngày nay là sự nối tiếp truyền thống vẻ vang.
Chúng ta dù có hay không mang danh họ Hà thì hiện tượng trên đây rất đáng suy ngẫm, tìm hiểu, tôn vinh. Hà Di Khánh xứng đáng là danh nhân lịch sử văn hoá quốc gia. Ông là niềm tự hào của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của cả nước. Rất đúng như ông Chủ tịch UBND Tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nói với các nhà khoa học trong lúc gặp mặt thân mật rằng đây là giá trị tinh thần, là tài sản quý báu của Tỉnh.
Việc nghiên cứu còn rất nhiều, nhất là thân thế và sự nghiệp của Hà Di Khánh, cũng như các thế hệ sau của ông`trước đây còn khó khăn hạn chế, nay đã có điều kiện thực hiện tiếp tục. Các kết luận của hội thảo và đề xuất của các nhà khoa học cần được các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan nghiên cứu xử lý tích cực.
Hội thảo khoa học về các danh nhân họ Hà châu Vị long và giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự đã có kết quả khả quan bước đầu. Kinh nghiệm từ cuộc hội thảo này rất tốt và cho thấy phải kết hợp cả các nhà khoa học về các lĩnh vực khác nhau với chính quyền các cấp ở địa phương và các dòng họ trong tình hình hiện nay. Các nhà khoa học cũng cần phối hợp với nhau chặt chẽ, đưa ra những lý lẽ sát thực những phát hiện mới có giá trị thuyết phục cao giúp cho người dân và xã hội có chỗ dựa khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; tránh tình trạng “đánh rắn giữa khúc”, “gõ trống bỏ dùi” dẫn đến tình trạng ai hiểu sao cũng được, khó vận dụng vào cuộc sống.
Hà Di Khánh là danh nhân lịch sử dẫu sao cũng đã đi vào lịch sử. Vấn đề là chúng ta và thế hệ trẻ hôm nay, con em dòng họ Hà bây giờ, trước hết là ở Chiêm Hoá, ở Tuyên Quang có học tập và phát huy được những mặt tốt đẹp, những giá trị tích cực của Hà Di Khánh mới là cần thiết.


Hà Nội, mùa Thu tháng 9/2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Blog Archive