Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh



Tiến sĩ (ABD), Catholic University of America (1983)

Cao học Ngoại giao, Georgetown University, Washington DC (1978)

Cố vấn cao cấp & Giảng viên, Khoa Quản trị Kinh Doanh (HSB), ĐH QG Hà Nội (1998- )

Chủ tịch & Tổng Giám đốc, Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo & Tư vấn Quốc tế Stellar Management (2007- )

Cố vấn, Viện Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH QT Kinh doanh, Đại Học Tổng hợp Missouri, St. Louis (2009 -)

Giảng viên thỉnh giảng, Trường Đại Học Kinh tế, ĐH QG Hà Nội (2008- )

Giám đốc CT Cao học QTKD – TP HCM, University of Hawaii (2006 - 2008)



Giáo sư Vinh tham gia giảng dạy tại Khoa Quản trị Kinh Doanh HSB hơn 10 năm qua các môn về quản trị doanh nghiệp. GS Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo, Tư vấn Quản lý Stellar Management; Cố vấn và Trưởng Đại diện tại Việt Nam của Lottomatica – GTech, một tập đoàn đa quốc gia (Italia - Hoa Kỳ), chuyên hỗ trợ chính phủ xây dựng hệ thống xổ số điện toán và cá cược thể thao tại nhiều nơi trên thế giới. Giáo sư Vinh trong nhiều năm qua làm đồng Giám đốc Chương trình Cao học Quản Trị Kinh Doanh của Đại học Tổng hợp Hawaii tại Hà Nội và làm Giám đốc Chương trình này tại TP. Hồ Chí Minh.

Giáo sư Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, và Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sát nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng, v.v. G.S. Vinh trong nhiều năm là Chuyên gia Tư vấn Cao cấp Tài chính Cơ sở Hạ tầng cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Việt Nam, Lào; Chuyên gia Tài chính Năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); và làm Cố vấn hợp tác và phát triển chiến lược, tái cấu trúc và cải tổ doanh nghiệp cho nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia tại Châu Á Thái bình dương.

Trong những năm gần đây, G.S. Vinh làm Cố vấn Tài chính và Quản lý cho nhiều công ty đa quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế trong các dự án của chính phủ như Thuỷ điện Sơn La, Hiện đại hoá ngân hàng, Tài chính cho Sân vận động SEA Games 2003, v.v. G.S. Vinh là tác giả và đồng tác giả nhiều bài báo, tài liệu, báo cáo quốc tế chuyên môn và được mời thuyết trình trong hơn 30 hội thảo trong và ngoài nước về tài chính dự án, tài chính cho cơ sở hạ tầng, cải tổ doanh nghiệp, v.v.

Trong hơn 10 năm qua, học viên tham dự các khóa đào tạo của Giáo sư Vinh tại HSB, ĐH Tổng hợp Hawaii và các chương trình giáo dục và chuyên đề là các Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn và Tổng Công ty Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năng lượng, sản xuất và xuất khẩu, bưu chính viễn thông, hàng không, than khoáng sản, v.v.

G.S. Vinh học Cao học Ngoại giao và Phát triển Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Hoa Kỳ (1976-1978) và được học bổng của Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ học Tiến sĩ Quản trị công tại Đại học Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983). G.S. Vinh được nhiều Thượng Nghĩ sĩ, Dân biểu Hoa Kỳ và chính khách Hoa Kỳ đề cử làm trợ lý đặc biệt của Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Reagan – Phó TT Bush. G.S. Vinh là công dân Hoa Kỳ, đã đi tham quan hơn 70 quốc gia.

Liên lac:

GS Augustine Hà Tôn Vinh, Chủ tịch & TGĐ

Stellar Management Corp.

Lầu 6, Tòa Nhà Thông Tấn Xã Việt Nam

116-118 Nguyễn Thị Minh Khai

Quận 3, TP HCM

Tel. 090-370-7680

AugVinh@aol.com

AugVinh@StellarVietnam.com

Số 15, Lô 2-A, Đường Trung Yên 1

Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel. 098-988-1000

Tel. 04-3783-3118

AugVinh@gmail.com
Tải xem kỉ yếu đại hội 4 Hà Tộc Việt Nam tại link: KỶ YẾU ĐẠI HỘI 4


Chủ Nhật vừa qua ngày 14/12/2014, vào lúc 8h45 phút , Đại hội đại biểu họ Hà Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở hội Nông dân Việt Nam số 9 Tôn Thất Thuyết , Dịch Vọng Hậu ,Cầu Giấy, Hà Nội.










Toàn cảnh đại hội


Về tham dự đại hội có các vị đại biểu họ Hà , các vị khách quý đại diện cho các ban , ngành ở Trung ương và địa phương , cùng với các vị đại diện cho các họ tộc khác : Trương , Vũ ( Võ) , Trần , Trịnh , Đỗ ( Đậu) , Nguyễn , Hồ ,....



Đoàn chủ tịch chủ trì đại hội




Các vị đại biểu khách mời


Đại hội họ Hà lần IV chào đón sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho các tộc họ Hà trên khắp mọi miền cả nước , từ Bắc Trung Nam , không phân biệt dân tộc hay độ tuổi, giới tính.

8h00, đại hội mở đầu chương trình bằng các tiết mục văn nghệ với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước : Thanh Hóa , Tuyên Quang , Hà Tĩnh , Hà Nội, ....









Sau chương trình ca nhạc là lễ chào cờ ,ông Hà Văn Tăng lên tuyên bố lý do khai mạc đại hội và giới thiệu các vị đại biểu . Ông Hà Quang Dự thay mặt đoàn chủ tịch đã đọc diễn văn khai mạc đại hội

Sau diễn văn khai mạc đại hội, ông Hà Văn Sỹ đã trình bày Báo cáo Tổng kết của Ban liên lạc họ Hà Việt Nam nhiệm kỳ III và phương hướng nhiệm vụ Ban chấp Hành họ Hà Việt Nam trong nhiệm kỳ tới


Ông Hà Quang Dự đọc diễn văn khai mạc đại hội



Ông Hà Văn Sỹ đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III của Ban LL họ Hà


PGS.TS Trương Mạnh Tiến , Phó chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam , Chủ tịch Hội kinh tế môi trường Việt Nam đã trao tặng hiện vật kỷ niệm của Hội đồng họ Trương Việt Nam : đó là 1 chữ Phúc hóa Rồng , đồng thời ông cũng thay mặt cho đại diện của các dòng họ khác tham dự Đại hội phát biểu lời chào mừng.



PGS.TS Trương Mạnh Tiến tặng hiện vật " chữ Phúc hóa rồng " cho đại hội


Tiếp theo là phần tham luận của các đại biểu đại diện cho các tộc họ Hà trên cả nước. Tiếp đó ông Hà Văn Tăng lên tiến hành , đề xuất việc đổi tên "ban liên lạc Họ Hà" thành hội đồng họ Hà Việt Nam và dựa trên tinh thần tự nguyện của các đại biểu, để cử ra 53 vị đại biểu tham dự vào ban chấp hành đại hội họ Hà nhiệm kỳ tới.

Các vị đại biểu đều đồng thuận tiến cử ông Hà Quang Dự giữ chức vụ chủ tịch hội đồng. Sau đó đã có một cuộc họp ngắn nhân giờ giải lao trong ban chấp hành và đã tiến cử ông Hà Văn Sỹ làm Phó Chủ Tịch kiêm nhiệm Tổng thư ký của hội đồng Họ Hà Việt Nam

12h30 , đại hội đại biểu họ Hà Việt Nam lần thứ IV đã kết thúc thành công tốt đẹp trong niềm phấn khởi và thắm tình đồng tộc của những người con họ Hà Việt Nam. Sau đó các vị đại biểu và khách mời đã dự bữa cơm thân mật ngay tại trụ sở hội Nông Dân Việt Nam.


VỀ ĐAN THƯỢNG

Xã Đan Thượng thuộc tổng Đan Thượng xưa là làng cổ nằm ở khu vực phía Bắc của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Trước đây, tổng Đan Thượng có làng Đan Thượng, Đan Hà, Hậu Bổng, Đồng Lũng, Trà Thượng, Trà Hạ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xóa bỏ cấp tổng, các làng cổ chuyển thành xã, cũng có xã ghép như Đan Thượng, Đan Hà thành xã Minh Đức. Sau kháng chiến chống Pháp, Đan Hà thành Minh Sơn, nay là xã Đan Hà (chữ Hán là Đan Hạ nhưng quen gọi là Đan Hà). Còn Đan Thượng mãi đến tháng 11/1964 trở lại là xã Đan Thượng đến nay.

Mỗi khi có dịp trở về quê Đan Thượng trong tôi bao cảm xúc dâng trào. Những người thân quen, những gì lưu luyến, những kỷ niệm của quá khứ như hiện ra. Tất cả là ký ức sâu sắc một thời không thế nào quên. Đây cũng là những điều tâm huyết tôi muốn được chia sẻ cùng người thân và bà con quê hương.

Mừng Đảng mừng Xuân Ất Mùi (2015)

Về quê chia sẻ ngọt bùi hành hương

Năm mươi năm ấy dặm trường

Xôn xao kỷ niệm ngát hương tình đời.

Quê hương ngọt ngào, êm dịu. Cũng có thể có cả vị đắng, chát, nhưng ở đâu và bao giờ vị mặn mòi, thơm thảo vẫn làm ta xao xuyến, quyến rũ. Cái gắn kết con người với quê hương chính là “cội nguồn”, là “quê cha đất tổ”, là miền ký ức…Đó cũng là nơi mà dấu tích tâm linh khắc họa, chi phối tâm hồn mãi không thôi. Người ta nói tuổi già thường sống về ký ức. Với tôi:

Ký ức không vị không màu
Không tên không tuổi nặng sâu đáy lòng.



Ký ức đầu tiên cũng là chuyện đầu tiên muốn nói ngay là cái tên Đan Thượng. “Đan” là đỏ, có ý là đẹp, Quảng trường Đỏ Mát - xcơ - va cũng có nghĩa đẹp này. Có câu “Nhất phiến Đan tâm” ( một tấm lòng son) rất tuyệt. “Thượng” là trên, lên, là cao…Đan Thượng là đỏ - đẹp - cao. Hay lắm chứ. Các cụ ngày xưa chọn đất để ở, chọn chữ để đặt tên làng có lý chắc và ý sâu của nó. Ấy thế mà bao nhiêu lần thay đổi nay về đúng tên xưa quen dùng là rất phải! Tôi muốn dài dòng việc này vì có mấy tấm bằng treo tường nhưng xem phần quê quán thấy rối cả lên, có ai hỏi cứ phải giải thích. Tấm Huân chương Chiến công (tặng năm 1968) ghi là xã Minh Đức (cái tên mà ít người hiểu ý nghĩa gì); Tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, ghi là xã Đoan Thượng (nhầm với tên Ga xe lửa); tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, lại ghi là xã Đan Phượng (nhầm với tên của một huyện ở Hà Tây nay thuộc Hà Nội). Bảo đi đổi (cảm thấy phiền hà) nên tôi chặc lưỡi: để vậy cho vui. Đó cũng là kỷ niệm, là ký ức lịch sử.

Tháng 8/1964 chia tay gia đình đi nhập ngũ, vì đi muộn, đến ga thì tàu đã chạy, tôi phải cuốc bộ về Ấm Thượng tập trung. Sau này chỉ có hai lần được về thăm nhà, về ga Đoan Thượng. Và đến mùa xuân Ất Mùi 2015 này mới có dịp đi tàu về quê với nhiều cảm xúc.

Nếu con đường sắt Hà Nội - Lào Cai tồn tại và mở rộng, do đó Ga Đoan Thượng sẽ còn tồn tại và phát triển thì nên đổi thành Ga Đan Thượng. Chữ “Đoan” như lạc vào đây, xa lạ như chữ Minh Đức trước đó, nên bỏ. Việc này trong tầm tay của Cục Đường sắt Việt Nam và địa phương đề nghị. Khi ở xa, lấy vé về Ga Đan Thượng là về đúng tên quê. Ai đi qua ga Đan Thượng là qua xã Đan Thượng. Hầu như các tên ga xe lửa thường trùng với tên địa danh ở nơi đó, thuận tiện biết bao, không chỉ riêng đối với người Đan Thượng.

Xã Đan Thượng, Chợ Đan Thượng, Ga Đan Thượng sẽ là một địa chỉ cùng một tên, một dấu ấn trong lòng mọi người mỗi khi qua đây và là một thương hiệu đẹp trong đổi mới và hội nhập.

Cháu gái tôi là Minh Anh (học lớp 3), có lần hỏi tôi rằng: Cháu sinh ra ở Hà Nội, sao trong lý lịch lại ghi quê quán là Phú Thọ? Tôi nói với cháu rằng: Đó là quy định của Nhà nước. Khi ghi quê quán của một người nào đó phải ghi theo quê quán của từ đời ông mình. Ông sinh ra lớn lên ở Đan Thượng thuộc Phú Thọ và là một người họ Hà thế hệ thứ 10 ở đất này. Vì thế đến lượt cháu cũng phải ghi quê quán như ông nội ở Phú Thọ.

Cháu lại hỏi: Quê cha đất tổ là gì? Trả lời: Ông nội là tổ của cháu, bố Toàn là cha của cháu; Vậy quê cha đất tổ là quê quán của ông nội và bố đẻ ra cháu. Nói rộng ra quê cha đất tổ là chỉ cội nguồn của mình, tổ tiên của mình, nơi có những người họ hàng thân thuộc với mình.

Cháu lại hỏi tiếp: Tổ tiên mình là ai hả ông? Trả lời: Tổ tiên của người Việt Nam nói chung là các vua Hùng như cháu đã biết. Còn tổ tiên của người họ Hà thì chưa rõ. Ông cùng các bạn bè của ông đang tìm hiểu. Riêng tổ tiên của người họ Hà ở Đan Thượng như theo gia phả có cụ Khởi tổ là Hà Viết Nghĩa (cách đây khoảng 300 năm). Cụ Nghĩa sinh ra các cụ Hà Viết Tể, Hà Đăng Tướng, Hà Duy Tề, Hà Công Vận. Đặc biệt có cụ Hà Viết Đạo (đời thứ 3) là con của cụ Hà Viết Tể được dân làng thờ phụng ở chùa Chén.Thông thường các cụ Tổ từ sáu đời trở lên gọi là “liệt tổ, liệt tông”. Cụ tổ rất xa gọi là “viễn tổ”. Minh Anh nhẩm nhắc lại tên các cụ tổ một cách rành rọt như cụ Nghĩa, cụ Đạo, hào hứng với các tên gọi của cụ là Tể, Tướng, Tề, Vận, rồi tâm đắc kêu lên: Tổ tiên mình ghê nhỉ!. Bỗng cháu đề nghị cho cháu về quê. Tôi hẹn rằng có dịp thuận lợi sẽ đưa cháu về Đan Thượng, nơi quê cha đất tổ như cháu mong ước.




Mộ cụ Hà Văn Dưỡng cùng người thân đã khuất ở Đan Thượng


Tôi thường kể chuyện về các cụ, các ông bà cho con cháu nghe, đặc biệt là ông nội tôi là Hà Văn Dưỡng, ở quê trước đây gọi là cụ Quản Phụng (cái giếng nước dưới chân gò trước nhà cả xóm dùng cũng được gọi là Giếng cụ Quản Phụng). Quản là “quản xã” một chức danh nhỏ, phải mua, không có thực quyền, nhưng có chỗ ngồi ở chốn Đình chung. Cụ không được học nhiều nhưng cũng biết cả nho, y, lý, số. Cụ học làm thuốc, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thông thường phục vụ bà con trong vùng. Tuổi nhỏ của tôi (như tuổi các cháu bây giờ) không có thuốc Tây và ngay cả thuốc ta như hiện nay. Các thứ bệnh của tôi hầu như đều do ông nội xử lý cả. Độc chiêu của cụ là dùng ngải cứu đốt vào các huyệt đạo để trị căn bệnh. Tùy theo loại bệnh mà chọn các huyệt nào cũng như dùng số lượng, số lần ngải cứu cho phù hợp. Trên người tôi có rất nhiều vết sẹo từ các lần điều trị bằng ngải cứu của cụ. Đó là những vết sẹo cứu sống người. Tôi nhớ lại năm 1982, cùng đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị đi công tác ở Cam-pu-chia, có đồng chí cán bộ ở Mặt trận 479 hỏi tôi là: Đồng chí có sẹo không?. Hiểu được ý của người “lính trận” đáng yêu này, tôi bình thản đáp lại: Nguyên tắc chiến đấu của quân đội ta là “Tiêu diệt địch, bảo vệ mình”, nếu cứ thương vong thì mới tự hào chăng? và nói luôn rằng: Tôi đã tham gia đánh máy bay Mỹ từ năm 1965 cho đến kết thúc chiến tranh, nhưng không bị cái sẹo nào! Đám đông vỗ tay, cười vang và đề nghị tôi tiếp tục câu chuyện. Cho đến giờ tôi ngẫm lại, tôi đã có mặt cả gần trăm trận đánh của đơn vị - Tiểu đoàn tên lửa (D61) anh hùng (thuộc trung đoàn 236, sư đoàn phòng không Hà Nội), chúng tôi đã bắn hạ 63 máy bay các loại của địch, đồng đội thương vong mà nhiều hơn lại là bộ phận của tôi. Năm 1972, chúng tôi còn ở Mặt trận Quảng Trị, mà khi trở ra Bắc vẫn nguyên lành. Tôi cho rằng có sự phù hộ của tổ tiên. Đồng thời cũng biết ơn ông nội vì đã nhiều lần chữa trị để tôi trưởng thành, đủ sức cầm súng đánh giặc. Những vết sẹo trên người đều là những kỷ niệm sâu sắc của tôi về ông nội. Nội tôi rất khéo tay, tự sao ướp chè để thưởng thức, làm tương ngon, chưng cất rượu tốt theo khẩu vị, biết đan lát các đồ dùng như thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, hay đơm, đụt, đó, nắn,… rất bền đẹp. Nội biết cả bói Kiều nữa! Tôi còn nhớ giọng ngâm của nội:

Trăm năm trăm cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu…

Thật tài tình. Đúng vậy. Trải qua dâu bể, sóng gió cuộc đời mới thấu hiểu cuộc sống, con người. Tôi đã trải qua chiến đấu với niềm tự hào, hoàn thành các công tác được giao rồi về hưu với sự tự trọng. Khi khoác ba lô rời đơn vị để đi học (năm 1974), tôi đã cảm tác:

Cầm súng mười năm đã bện rồi

Giữ trời Tổ quốc mãi xanh tươi

Dẫu chẳng vang tiếng trên trần thế

Cũng thỏa chí trai đã một thời

Bây giờ đã sang chặng đường cuối đời, tôi đã chuẩn bị để về với ông bà, “núp sau nải chuối, ngắm gà khỏa thân” nhưng rất thanh thản, tự tin.

Phương Tây phía lặn mặt trời

Có miền cực lạc là nơi ta về

Nơi đâu sống được là quê

Chết vào trong đất lại về Tây Phương

Suy ngẫm, càng học càng thấy dốt, biết nhiều càng thấy đau.

Ruột gan như xót như cào

Đắng cay như thể lặn vào mãi trong

Bề ngoài trông tựa như không

Miệng cười cho khỏa lấp mông mênh buồn.

Cho nên rất hiểu sự tín nghĩa, lòng tự trọng đến khí khái của ông nội, tôi càng cảm phục sự nhẫn nhịn của cụ. Ấn tượng tuyệt vời hơn cả vẫn là nghề thuốc của nội mà rất tiếc trong nhà không có người nối tiếp.




Ông tôi là một nông dân

Học làm nghề thuốc cứu nhân độ đời

Thuốc Nam ta thật tuyệt vời

Qua tay nội giúp bao người làng quê

Gia đình không còn ở Đan Thượng nhưng tôi còn họ hàng, bà con ở đó. Những người họ Hà, rồi cô cậu, chú bác, anh chị em,…. Đó là gia đình cụ Trưởng tộc đại tôn Hà Duy Hàn, gia đình chi tộc Hà Thiện Chủng (cụ mới mất tháng 4/2015), vân vân và vân vân, không kể ra hết được. Tôi là người con của quê hương, một người họ Hà, dòng Hà Viết theo cụ Khởi tổ Hà Viết Nghĩa, tính từ năm 1746 cách đây gần 03 thế kỷ. Ở Đan Thượng còn có dòng họ Hà khác thuộc bên bà nội tôi là Hà Thị Huyên (đời thứ 4) theo gia phả ghi năm 1914 nói là từ Thọ Lão (Sơn Tây) chuyển lên, có cụ Khởi tổ là Hà Đình Cẩm, nên gọi là dòng Hà Đình để tiện xưng danh và liên lạc. Bên ngoại tôi là họ Phan từ Cổ Đô (Sơn Tây) đi lên. Còn người họ Ma, hay Mai, Mè, tôi cho rằng đã ở Đan Thượng từ lâu. Người họ Ngô, họ Đặng, họ Phạm, họ Đàm, họ Nguyễn,…Khoảng từ 70 năm về trước các dòng họ trên đều đã có mối quan hệ chặt chẽ, thông gia với nhau, đều có bà con anh em với gia đình tôi. “Phi nội tắc ngoại” là vậy. Trước đây còn có cả người họ Hồ, họ Khổng, sau này không thấy nói tới. Nhiều người là bạn học, nay có người đã mất, đã hy sinh, đã sống ở nơi khác, nhưng vẫn còn một số, đều đã vào tuổi xưa nay hiếm ở làng. Cho nên:

Gặp lại bà con quê nhà

Phi nội tắc ngoại đều là anh em

Dẫu không còn ở làng Đan

Tình quê đâu kể hèn sang giàu nghèo




Chùa Chén, di tích lịch sử độc đáo với những bí ẩn tâm linh chưa được khám phá


Không còn ở Đan Thượng, nhưng tình cảm của tôi còn rất sâu đậm. Đặc biệt là còn ngôi mộ của ông nội tôi đang ở lại với những người thân đã quá cố, trên mảnh đất mà tôi cũng đã từng trồng sắn, trồng đậu, trồng vừng trước cổng chùa Chén. Nơi ấy khi xưa còn có ruộng làm mạ, chúng tôi còn chơi Khăng, đánh trận giả, phụ đồng: đánh bẫy chim, đốt ong, bắt ve sầu, gõ trứng kiến,… Rất nhiều thú vui tuổi học trò. Quê hương là nơi “chôn rau cắt rốn” mà tôi đã từng sinh sống trước đây.

“Nơi ta ở chỉ là nơi ta ở. Nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” là vậy.

Trẻ muốn đi xa. Già ước trở về như được “sửa sai”, như cần bù đắp, như nguyện lấp đầy chỗ trống tâm linh. Trẻ vì em nhỏ, lớn, vì vợ dại con thơ. Đến tuổi xế chiều lại vì cha già, mẹ héo đợi chờ…

Con về thăm mẹ chiều nay

Mẹ già như chuối chin cây đợi chờ

Một mình bên cạnh nhà xưa

Một mình sớm tối chiều trưa một mình

Quê hương đối với mỗi người, mỗi hoàn cảnh với sự ràng buộc quan hệ khác nhau, nhưng có điểm chung là chốn đi về. Vui về, buồn về và cả khi không vui, không buồn cũng về. Chỉ vì nhớ.

Quê hương là vậy.

“Quê hương là chùm khế ngọt”

“Quê hương nếu ta không nhớ, thì không lớn nổi thành người”


Quê hương là nơi có tổ ấm, tổ tiên; rất cụ thể mà thiêng liêng, vô hình mà ràng buộc níu kéo. Tình yêu quê hương, yêu gia đình, làm nên tình yêu Tổ quốc. Đan Thượng là một phần của Tổ quốc mà tôi đã từng yêu thương để rồi mãi mãi yêu thương, là nơi tôi từng gắn bó, tự hào để rồi mãi mãi gắn bó và tự hào.



Thấy bông hoa gạo đẹp tươi

Nhớ màu Đan Thượng, nhớ người quê ta

Ai về Đan Thượng, Hạ Hòa

Bao người con ở phương xa nhớ thầm.

Đan Thượng có nhiều Di tích lịch sử, cái còn cái mấtnhưng đều đã đi vào ký ức của mọi người. Mỗi một di tích là một số phận với những điều đã biết và những điều bí ẩn chưa được khám phá. Hướng về cội nguồn, về với quê hương không thể không nói tới các Di tích lịch sử văn hóa để mà cảm nhận, để mà bày tỏ sự tri ân sâu sắc, đồng thời suy ngẫm cuộc sống này còn bao điều ý nghĩa thiêng liêng./.



Về miền ký ức

(Ảnh năm 2003)
ĐỀN THƯỢNG
Đền Thượng còn gọi là Đền Nghè năm trên sát đỉnh gò cao nhất của xã Đan Thượng, nơi phân chia địa giới với Đan Hà, án ngữ trên trục đường ngang từ đê sông Thao đi vào miền trong Đại Phạm.

Đền Thượng, thờ Cao Sơn nguyên soái Đại vương (ảnh dưới). Ngài cùng Quí Minh xuất hiện thời Vua Hùng, nước Văn Lang thuộc Lạc Việt. Khi Thục Phán là con Thục Chế (người có họ hàng với nhà Hùng), thủ lĩnh mạnh của bộ Âu Việt, tranh ngôi vị của Hùng Duệ Vương, anh em Cao Sơn, Quí Minh dưới sự chỉ huy của Tản viên Sơn thánh (con rể vua), đã chống trả quyết liệt. Chiến tranh diễn ra gay gắt nhiều năm. Cuối cùng để tránh đổ máu cho dân lành, theo lời khuyên của Tản Viên(?). Vua Hùng thứ 18 đã chuyển giao ngôi báu cho Thục Phán. Lên ngôi, Thục Phán đổi niên hiệu là An Dương Vương, lập nước Âu - Lạc, dời đô về Cổ Loa. Truyền thuyết đã từng nói vậy. Các nhân vật trên như Cao Sơn Đại vương là biểu tượng của tinh thần Việt Nam, anh hùng văn hóa Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc

Gạt bỏ “lớp bụi” thời gian, sự hoang đường của truyền thuyết có cả hư cấu, qua các bằng chứng khảo cổ, tư liệu lịch sử… người ta đã nhận ra bản chất của vấn đề: Nhà nước Văn Lang là thật, con người của đất nước đó, dân tộc đó là thật, đã tồn tại cho đến hôm nay, trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, biến đổi.

Các cụ làng ta xưa chọn thờ Cao Sơn Đại vương phải có cái lý của nó, trước hết là người có công với dân, với nước. Đây cũng là sự khẳng định chủ quyền dân tộc, đất đai, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, khẳng định dân và đất Đan Thượng thuộc đất Tổ vua Hùng xưa. Người ta chia ra nhân thần, thiên thần. Xét theo công trạng, phân hạng ra Hạ đẳng thần, Trung đẳng thần và Thượng đẳng thần. Các sắc phong của Triều đình ghi nhận Cao Sơn Đại vương ở bậc cao nhất là Thượng đẳng thần. Rất nhiều nơi thờ ngài.

Đó là các sắc phong vào thời Tự Đức năm thứ 6 (1864), Tự Đức năm thứ 33 (1876), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Rất tiếc là các sắc phong này đều bị thất lạc, chỉ còn nội dung do các cụ làng ta còn ghi lại năm 1938. Xin trích sắc phong của Vua Tự Đức năm 1864, ngày 11 tháng Giêng:


Nội dung là:

Sắc Cao Sơn tôn thần nguyên tặng linh phù chính Đôn uy Đôn tĩnh hùng tuấn Thượng đặng thần hộ quốc tý dân lẫm trước linh ứng tú kim bản ứng, cảnh mạnh diễn liệm thân hưu khả gia tặng hiệp linh phù chính Đôn uy Đôn tĩnh hùng tuấn trác vỹ Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn Hạ Hòa huyện Đan Thượng, Đan Hạ nhị xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Tự Đức lục niên chính nguyệt thập nhất.

Sắc phong là văn bản cao nhất mà Nhà nước trước đây đã công nhận và phong tặng cho vị thần - thành hoàng, thể hiện quyền lực của Trung ương đối với cơ sở. Đây là văn bản quí, rất quan trọng, không phải di tích nào cũng có, không phải ở đâu cũng còn lưu lại được đến nay. Có nơi đình đền bị hủy hoại nhưng còn nguyên Sắc phong. Từ đây người ta có căn cứ đề nghị xây dựng lại di tích cũ.Để làm một phiên bản Sắc phong hay phục chế lại chi phí không nhỏ. Có bản gốc hoặc có nội dung là thực hiện rất nhanh chóng. Nhiều nơi còn tổ chức đón nhận lại Sắc phong này rất trang trọng.

Đền Thượng trước làm bằng gỗ chắc, dựng 5 gian dọc, lợp lá cọ. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1833) được lợp ngói, lát gạch, làm sân, cổng, khang trang. Đền không làm cửa, không tường bao, chỉ có tường rào, có hai lối thông ra hai bên hông khá độc đáo. Cửa đền có bốn chữ to “Thượng đẳng linh từ”. Có bốn câu đối bằng chữ Hán, trong đó có hai câu là:

Rồng bay phượng múa lừng Nam, Bắc

Hổ phục Nghê chầu nức Tây, Đông


Nội dung câu đối mô tả các bức phù điêu được những bàn tay thợ khéo tạo nên. Từ các bức phù điêu sinh động, bay bổng ý tứ sâu xa mà cụ Hà Văn Chưng đã sáng tác nên bài thơ họa hoàn chỉnh, làm rõ vẻ toàn bích của các bức phù điêu cửa đền như sau:

Tiền đài xây dựng đã nên công

Khen thay nét vẽ của hai ông (?)

Rồng bay phượng múa lừng Nam Bắc

Hổ phục Nghê chầu nức Tây Đông

Nghiêu, Thuấn cày ruộng rồi tức vị

Lã Ông câu cá mãi bên sông

Phong cảnh hai làng đều khác lạ

Một phía dơi dơi một phía rồng.

Phong cảnh như thật như mơ, thái bình và an lạc, hạnh phúc. Đó cũng là khát vọng ngàn đời của cha ông chúng ta cũng như chính chúng ta hôm nay.

Cao Sơn Đại vương được thờbằng ngai gỗ, giữa đặt long bào có rồng chầu, mũ, áo, hia bằng vải màu thiên thanh.

Trên hương án có đặt hai bát hương (một bát hương bị thất lạc, nay đã trở về).

Lễ hội chính diễn ra ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất được chi phí cao nhất là 40 đồng theo quy ước năm 1942 (trong đó lợn 30đồng, xôi 6đồng, hương đèn, …4 đồng)

Cả hai làng Đan Thượng, Đan Hạ phối hợp tổ chức luân phiên nhau làm chủ tế và đọc tế văn, phân công 4 giáp thực hiện chu đáo.

Lễ hội có cuộc thi cắt tiết lợn đen tuyền, thi mở khóa trên khám thờ. Đám rước kiệu và sắc phong diễn ra long trọng có cả ca, múa, nhạc tưng bừng. Sau khi làm lễ ở Đền, cả hai làng tiếp tục làm lễ ở đình làng mình sôi nổi. Làng Đan thượng còn có Hội Vật diễn ra vào ngày 9 tháng Hai (mức chi phí theo quy ước là 30đồng). Để đảm bảo sự tôn nghiêm trước thần linh, ai phạm lỗi theo quy định phải nộp phạt một buồng cau để tạ thần linh rồi biếu dân làng. Lỗi nặng có thể bị đánh 10 roi theo tục lệ lập năm Tự Đức thứ 17(1864). Hình phạt này sau có thay đổi và quy ra bằng tiền từ 0,2 đồng đến 0,5 đồng tùy theo nặng nhẹ. (hương ước năm 1942)

Ở đền Thượng còn thờ Phất Lang Thất vị Đại Thần (bên tả) và Cầm Cường Đại Thần (bên hữu). Phất Lang Thất vị đã có miếu thờ ở gò Thất Vị chếch trước cửa ga Đoan Thượng. Miếu đã bị hủy hoại từ lâu, nay chỉ còn các phiến đá kê cột nằm rải rác trong vườn nhà ông Đinh Văn Vượng. Ở xã Y Sơn có Đình Thất vị có tới 17 sắc phong, có liên quan gì không, cần tìm hiểu!

Cầm Cường Đại Thần được thờ ở Đền Hạ, phía bờ sông Thao, góc chợ. Đền Hạ cũng không còn, chỉ có cây Đa đẹp nên thơ với ngôi miếu nhỏ vẫn được người dân sở tại hương khói theo tuần tiết.

Cây đa ở khu vực Đền Hạ

Không ai rõ sự tích các vị Thần này và cũng không biết bài vị các Thần được đưa lên phối thờ ở Đền Thượng từ khi nào. Chỉ biết là Cao Sơn Đại Vương ngoài việc thờ ở Đền Thượng còn được thờ ở Đền Hạ, ở cả hai đình của Đan Thượng và Đan Hà. Các cụ trước đây cũng không ghi chép rõ việc rước kiệu và các Sắc phong giữa Đền và hai đình làng theo hành trình ra sao?

Ở đền Thượng vẫn còn cái giếng Nghè được một số người hảo tâm công đức xây cất lại. Rất đáng hoan nghênh.Tuy đơn xơ như cổ tích nhưng giếng Nghè là phần không thể tách rời với đền như biểu tượng của “uống nước nhớ nguồn”. Cây Đa xum xuê cách đền khoảng 50m cũng vậy, đến nay vẫn tỏa bóng mát như dấu ấn của tổ tiên, nhân chứng lịch sử của Đan Thượng rất ấn tượng. Có lẽ tuổi cây Đa cũng tương đương với tuổi của Đền.

Năm 2005, Cục Văn Hóa Thông Tin Cơ Sở phát hành cuốn sách “Những di tích thờ Vua Hùng ở Việt Nam” bao gồm cả những nhân vật, thánh – thần được thờ có liên quan thời Vua Hùng, trong đó có đền Nghè Đan Thượng. Có điều là cả tên xã, và tên Thần ghi cũng không chính xác (trang 169). Theo thống kê cả nước đã thấy có hơn 1400 nơi thờ, mà đền Nghè là nơi xa nhất về phía Bắc so với đền Hùng ở Hy Cương (Phú Thọ) trong danh sách. Đây cũng nói lên là Đền Nghè Đan Thượng là một điều quý hiếm.


Do có Nghè nên gò đất này gọi là gò Nghè. Dân hai làng đến nay vẫn gọi như vậy với tâm thức linh thiêng. Trước đây, gò rậm, nứa mọc um tùm, nhiều cây cổ thụ như Lụ, Đa ôm ấp, nay chỉ còn lại cây Đa to, tỏa bóng xum xuê làm nên vẻ đẹp cổ kính của Đan Thượng. Phía xã Đan Hà có xóm Dậm, ngay chân gò, nay là Khu 1 của xã. Phía Đan Thượng là một bộ phận của dân cư Khu 3.

Vào khoảng những năm 1955 đến năm 1959, Đền Thượng được sử dụng làm lớp học của trường cấp 2 Đức - Sơn, cho cả khu vực thượng huyện Hạ Hòa. Tôi học lớp 5A ở gian trong. Một số lớp khác ở quanh gốc Đa bây giờ. Khi học lớp 2, tôi học ở đình Đan Hà, đều phải đi qua đền Nghè mỗi ngày. Lớp 3 học ở đình Đan Thượng, lớp 4 học ở khu Lò Nồi dưới Chợ, gần Đền Hạ. Suốt thời kỳ ấu thơ kể cả khi đi về giữa Đan Thượng - Văn Lãng (nơi làm trại của gia đình từ trước năm 1940) và đi học tôi đều gắn bó cả 02 ngôi đình và đền này. Đình, Đền từ thuở nhỏ đối với tôi nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên…

Tôi còn nhớ như in hình ảnh khi tản cư, chạy giặc, vào Văn Lãng (Yên Bái). Ông nội cõng trên lưng, khi phải dừng chân ở cây Lụ to, muốn ngắm nhìn vẻ đẹp và trang nghiêm của đền Thượng thì nội đã giục lên đường bởi“Thằng Tây đang đuổi ở phía sau”. Ngoái nhìn lại phía con dốc qua dãy lò gốm bám theo sườn gò, qua cái giếng đất, nước tràn bờ quanh năm là cánh đồng xanh, ngoài xa là con sông Thao đỏ nặng phù sa. Bến đò ông Ba Kẹo có tiếng gọi nhau í ới. Triền đê hoa màu tươi tốt từ phía Đình làng, chạy lên xóm Soi phút chốc đã chìm lại sau lưng.

Gò Nghè đối với tôi là gò thiêng. Bởi ở đó còn có ba ngôi mộ các cụ tổ họ Hà. Đó là cụ Hà Viết Tể (con trai cả của cụ khởi tổ Hà Viết Nghĩa, và là người sinh ra Hà Viết Đạo), sau khi cụ mất đã được con cháu chôn cất ở đây. Các cháu của cụ Nghĩa (thuộc đời thứ 3) là Hà Đồng Ban, Hà Kim Loan sau khi mất cũng được an táng tại gò Nghè. Không phải ngẫu nhiên mà sau này còn có cụ Hà Văn Khuê (đời thứ 8) thường gọi là cụ Từ Khang làm thủ nhang ở đền Nghè. Cụ Loan là người được tham gia viết Địa Bạ của làng trong “Địa bạ Gia Long thứ 4” (1805) tài liệu sao chép lại vào ngày 24 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 12 (tức 1831). Trong Địa bạ này có ghi con đường đê từ Lệnh Khanh đến Trà Hạ qua Đan Thượng là 664 trượng (đơn vị đo chiều dài lúc đó khoảng 4m/trượng). Đoạn đường ngang từ Đan Thượng vào Đan Hà là 152 trượng 3 thước. Cuối đoạn đường này phải qua cầu Sậu có 3 nhịp, theo quy ước của 2 làng lúc đó mỗi bên chịu trách nhiệm quản lý bảo dưỡng một nửa cầu. Đường này về sau đã được đắp đất cao, cầu Sậu cũng biến mất từ lâu. Đỉnh dốc cao trước cổng đền, gần đây cũng đã được hạ thấp xuống gần 10m. Cảnh quan trước đền đã thay đổi nhiều. Gò Nghè hình dáng con Voi. Đầu voi nay cũng không còn, mình voi đã biến dạng. Cần phải ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất đai cũng như xâm hại cảnh quan và xuống cấp của di tích.

Có câu hỏi đặt ra là đền Nghè có từ bao giờ? Không có tư liệu nào nói cả. Chỉ biết rằng đến năm 1833 thời Minh Mạng mới lợp ngói như hiện nay thì đền phải được xây dựng từ trước đó, sớm lắm là từ thời Hậu Lê, muộn hơn là thời Tây Sơn. Ban đầu chỉ là tre, nứa, lá khi có đầy đủ nhân lực, tài lực, vật lực mới làm gỗ chắc như hiện nay. Đan Thượng đến nay mới có trên 600 hộ dân, vẫn còn gần trăm hộ nghèo. Hàng trăm năm trước, số dân và số khẩu chắc chắn ít hơn và nghèo khó. Có số liệu cho biết đến tháng 8/1945 Đan Thượng có 196 hộ, 912 khẩu mà trước đó đã làm được cả Đình, Đền, Chùa, Miếu.Cực kỳ giỏi! Ngoài sự đóng góp của toàn dân, có sự đóng góp của các “Mạnh thường quân”, của người mua Hậu (để được gọi là Hậu Thần, Hậu Phật), … Nghiên cứu cách làm của tiền bối có thể sẽ giúp cho chúng ta tháo gỡ khó khăn của hôm nay.

Trải qua phong trần, biến động dữ dội may mắn đền Thượng vẫn còn! Cây đa, giếng nước vẫn còn ở lại với con cháu. Đền Thượng đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa (cấp tỉnh) theo Quyết định số 2135 ngày 6-10-1998 của UBND tỉnh Phú Thọ. Cần phải có qui hoạch, kế hoạch, biện pháp gìn giữ, khai thác và phát huy di sản quí giá này. Vành đai và không gian di tích khu vực quản lý, phân cấp cũng như tổ chức nhân sự để quản lý di tích cần phù hợp, với sự phối hợp tích cực của Đan Hà. Cần phục dựng lại các yếu tố văn hóa tích cực trong lễ hội, đảm bảo tính thiêng (nghiêm túc) vừa đảm bảo tính văn hóa đặc sắc, loại trừ yếu tố mê tín dị đoan hoặc du nhập không hợp lý trong các hoạt động ở đền Thượng. Cần đo đạc, tính toán chi tiết về kiến trúc đền để phục vụ cho việc lập phương án trùng tu và có cơ sở cho việc đánh giá thực trạng và huy động nguồn lực thực hiện.Môi trường cảnh quan, cây xanh cũng được quan tâm để không bị lãng phí đất đai và không gian, đảm bảo hấp dẫn người tâm linh và thu hút khách thập phương. Vận dụng phương châm “lấy di tích nuôi di tích” tiến hành xã hội hóa các hoạt động theo tinh thần Nhà nước quản lý, dân làm chủ có thể tạo chuyển biến mới ở Đền Thượng.

Đền Thượng là công trình phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của dân để thờ phụng, tri ân, cũng là nơi hướng đến cái tốt, cái đẹp, cái thiện, góp phần xây dựng con người mới. Xa xưa có thể chỉ thờ thần rừng, thần núi, thờ “Ông ba mươi” (Hổ) mà tượng Hổ cùng nghi thức cúng lễ vẫn tồn tại đến nay. Đền Thượng trở thành thiết chế tín ngưỡng dân gian trong hệ thống thờ Tổ Hùng Vương độc đáo của Việt Nam. Giỗ tổ Hùng vương Đền Hùng mới đây đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào, cần quảng bá và nghiên cứu để phát huy.

Đền Thượng là sản phẩm văn hóa, là công sức chung quí hiếm của hai làng Đan trước đây, may mắn gìn giữ được đến nay, nhưng đang xuống cấp nhiều.Hơn lúc nào hết cần chung tay bảo vệ, đổi mới cách quản lý và nâng cấp toàn diện.Cần tôn vinh hơn nữa xứng tầm với di sản đã thành danh, xứng đáng với tiềm năng, truyền thống văn hóa, cách mạng của nhân dân hai làng Đan Thượng và Đan Hạ vốn đoàn kết, xây dựng gắn bó keo sơn cùng khát vọng phát triển trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới hiện nay./.
ĐÌNH ĐAN THƯỢNG

Đình Đan Thượng gọi là Đình Vật, hay Đình Trắng, Đình Công, thờ thần hoàng làng (hay Thành hoàng), vị thần bảo hộ cho làng Đan Thượng. Theo tín ngưỡng của người Việt khi lập làng người ta tôn vinh người có công đức lớn, có uy danh, kể cả người còn sống làm Thành hoàng. Đó là thiết chế văn hóa tín ngưỡng hình bóng không thể thiếu ở các làng quê.

Đình Vật thờ Cao Sơn Nguyên soái Đại Vương theo sắc phong của triều đình phong kiến trước đây mà các chức sắc của làng đã ghi nhận năm 1938. Ngài là Thượng đẳng thần được thờ ở Đền Thượng, và ở cả hai đình của hai làng Đan Thượng, Đan Hà. Trước đây người dân Đan Thượng, Đan Hà đã chung sức xây dựng chùa Cổ Lai để thờ phật, dựng Nghè thờ thần linh và có thể đã có các miếu như Thất vị. Khi hội đủ các điều kiện cần và có mới tách thành hai làng độc lập; cũng là lúc mới đủ sức xây dựng đình. Cho lên hai đình, nhưng chung Thần hoàng vẫn chung tên gọi chữ Đan.



Khu vực Đình làng Đan Thượng (tháng 2/2015)

Đình Đan Thượng tọa lạc giữa bãi đất trống, giáp đê sông Thao, xây dựng kiểu chuôi vồ. Các gian ngoài làm nơi tế lễ, sinh hoạt cộng đồng. Gian trong, phần chuôi vồ đặt ngai thờ có bài vị Thần hoàng; ở đây gọi là Hậu Cung có cửa ra vào luôn đóng kín, thâm nghiêm. Đình Đan Thượng có vị trí trung tâm của làng xưa, trên nền đất cao giữa đồng. Phía trước là sông, phía sau là dãy đồi cao, nhất là đồi hình con voi phía Đông Nam, nơi có đền Nghè, đồi hình con Rùa ở phía Bắc, có nhiều cây cọ và cây bản địa, phía Tây Bắc là đồi hình con Rồng, có chùa Chén ngự trên lưng. Sau đình có cây to. Nhiều nơi đình làng còn có ban thờ Thần Nông và ban thờ Hậu Thần.

Cụ thể ở Đan Thượng ra sao, không có tài liệu để lại, đình làng cũng không còn nên không rõ. Những người quản lý và tham gia các chức danh ở Đình được tuyển lựa chặt chẽ. Tôi hình dung các dịp lễ hội làng rất đông vui. Hội Vật càng sôi động bởi không chỉ có người làng mà người trong tổng, trong vùng cũng tham gia. Đình Vật thời sau cách mạng tháng 8/1945 thường có mít tinh hội họp. Có lúc là trường học “xóa nạn mù chữ”, sau này là trường cấp 1 của xã. Lứa chúng tôi đã ngồi học lớp 3 trong Đình này. Các lớp khác ở sân rộng phía dưới. Hàng rào khu trường bằng nứa, mà cổng trường ở sát chân đê.

Trong “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đan Thượng” (năm 1987) có ghi rằng: “ngày 26.8.1945 tại đình Đan Thượng có hàng ngàn dân mang theo cờ, hoa, biểu ngữ dự mít tinh mừng ngày Cách mạng thành công”. Các sự kiện trọng đại của đất nước lúc đó thực hiện trong phạm vi địa phương cũng diễn ra ở đình này. Bầu cử Quốc Hội (6.1.1946), “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến. Sự kiện ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng, Mặt trận Việt Minh, Ủy ban hành chính đầu tiên của xã và các cơ quan trên một thời hoạt động ở đây.Đồng chí Trần Huy Liệu, cán bộ trung ương cũng đã từng đến nói chuyện… Đình làng đã chứng kiến những hoạt động chính trị - xã hội sôi động không chỉ của Đan Thượng mà của cả Tổng Đan Thượng. Đấy là địa chỉ Đỏ, có đấu ấn lịch sử cách mạng, là một giá trị riêng có của Đan Thượng.

Tôi nghe các cụ nói thời nhà Thanh (Trung Quốc) có quân Cờ Đen (tức quân Lưu Vĩnh Phúc) sang ta để đánh Tây theo yêu cầu của triều đình Huế. Khi nhà Nguyễn lại hòa hoãn với quân Pháp, quân Cờ Đen phải rút về nước có một bộ phận qua Đan Thượng cũng đóng quân ở Đình Vật.

Phía trước Đình Vật ngoài đê có hai cây Gạo to, có cây cao 25-30m, gốc lớn tới mấy người ôm. Chim Bồ Các, Quạ thường làm tổ trên ngọn. Mùa hoa gạo nở đỏ rực cả khoảng trời, từ xa nom rất bắt mắt. Khoảng đầu thế kỷ 20 người ta vẫn còn đi lại phía ngoài cây Gạo.

Đến mùa bông Gạo bay trắng cả một vùng. Làng Đan Thượng đã thu gom được trên một tạ bông để góp cho kháng chiến dùng làm nguyên liệu may đồ ấm cho bộ đội, trong đó chắc có phần của những cây Gạo này.

Cây Gạo còn gọi là Mộc Miên có thơ ca diễn tả. Cây Gạo còn gắn với sự tích bài thơ sấm truyền ở Kinh Bắc báo hiệu sự xuất hiện của Triều Lý (Lý Công Uẩn). Còn nhỏ tôi chỉ nghe “Thần cây đa ma cây gạo” và thấy nói có tên Việt gian bị ta xử bắn ở cây Gạo nên mỗi lần phải đi qua đây trong đêm cứ thấy dờn dợn. Vùng này có nhiều cây Gạo. Không biết có phải vì màu hoa đỏ đầy ấn tượng ấy mà cha ông chúng ta đã lấy làm căn cứ để đặt chữ “Đan” trong tên làng Đan Thượng, tên tổng Đan Thượng mình chăng?



Tôi có kỷ niệm nhỏ năm 1969, được tranh thủ về thăm gia đình, khi trả phép, chú Cường (em trai tôi lúc đó 9 tuổi) cứ bám theo nằng nặc đòi đi cùng. Dừng chân ở bên gốc Gạo tôi phải nói dối: bỏ quên cái khăn mặt, nhờ em chạy về lấy giúp. Tin là thật, em chạy về tìm, khi quay ra thì tôi đã đi xa.

Từ lâu cả hai cây Gạo đã không còn. Có bến đò ngang xuất hiện bên cạnh lạch nước từ phía đồng Đình chảy qua róc rách đêm ngày, như nhắc nhở chỗ ấy, từ xưa đã có những cây Gạo rợp bóng mát. Tôi thấy tiêng tiếc mãi. Nếu như còn Đình, còn cây gạothì thú vị biết bao. Không phải tất cả cái gì của ngày xưa đều xếp vào quá khứ hay cổ hủ cả, mà còn có một cái gì đó vẫn thuộc về hiện tại và cho cả tương lai. Nhiều nơi người ta rất trân trọng, tự hào về các Di tích lịch sử văn hóa với các giá trị riêng của nó. Cũ thì tu bổ, mất thì tìm về, hư hỏng thì tôn tạo, thậm trí làm mới khang trang hơn. Đó là giá trị góp phần làm nên nền tảng tinh thần xã hội. Càng ít càng quí hiếm, càng cần phát huy, sử dụng đúng mục đích và pháp luật đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của dân. Một nhà văn Liên Xô có câu: “Bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại bằng đại bác”. Ứng xử với giá trị lịch sử văn hóa người ta hết sức thận trọng, không tùy tiện giản đơn, tránh khi tả, khi hữu. Tất cả đều hướng vào mục đích chung, có lợi cho cộng đồng, cho con người trước mặt và lâu dài.

Theo bước chân thiên di của người Việt về phương Nam, trong lịch sử có những mái đình thân thương mọc lên mới thấy hết giá trị ý nghĩa của cái Đình trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Hai tiếng Đình Vật gợi lại cho tôi truyền thống thượng võ của người dân Đan Thượng một thời. Đình Vật như thông điệp của cha ông về sự ứng xử với dòng sông cuộn sóng phía trước khi mà lũ đến mà cái lợi và cái hại luôn đi bên nhau. Đình Vật và Hội Vật không còn, chỉ có con người vẫn phải trăn trở vật lộn với thiên tai, vật vã mưu sinh để tồn tại.

Đình Vật làng Đan Thượng nay chỉ còn lại nền đất cũ như một dấu ấn tâm linh với những câu chuyện bi hài nhiều màu sắc.



Dấu xưa - Đan Hà (Ảnh tháng 3/2015)
CỔ LAI TỰ

Cổ Lai tự là chùa Cổ Lai, vốn là ngôi chùa chung của Đan Thượng và Đan Hà, nay thuộc Đan Hà. Chùa tọa lạc trên chòm đất cao hơn mặt ruộng gần 2m giữa cánh đồng giáp ga Đoan Thượng. Qua cổng chùa có đường ra chợ Đan Thượng (xưa gọi là chợ Đan Hà).

Chùa trước đây khá khang trang, có gác chuông, tượng phật, đông tấp nập. Ông cụ thân sinh ra tôi là Hà Tiến Phụng có kể lại rằng khi giành được chính quyền, tháng 8/1945 ông được phân công gác kho gạo, muối để ở chùa này.

Cũng như số phận nhiều công trình tín ngưỡng khác trong vùng, thời gian và chiến tranh, hoàn cảnh đã hủy hoại, chùa chỉ còn đá kê cột to, chạm hoa văn cánh sen đẹp. Chùa mới được xây cất lại.



Cổng chùa Cổ lai tự và dấu tích đá kê cột chùa cũ

Đầu năm Ất mùi – 2015 tôi có dịp gặp cụ Lê Văn Long (85 tuổi) là Hội trưởng phật giáo xã cho biết chùa Cổ Lai trước đây chung với Đan Thượng, sau này thuộc đất Đan Hà nên làm mới lấy tên là Hà Linh Tự.

Theo gia phả họ Hà Viết ở Đan Thượng cho hay trước đây có cụ Hà Kim Quán là con thứ 3 của cụ Hà Kim Loan (đã nói ở phần trên) làm lý trưởng Đan Thượng đồng thời cụ còn làm Hội Chủ “Do chung quả hội” của cả Đan Thượng, Đan Hà và trụ sở tại Cổ Lai tự. Đây là tổ chức tự nguyện, hướng tới cái thiện, cái đẹp, mà cụ Hà Tiến Phụng cho rằng những người này đã vận động, quyên góp để đúc chuông chùa. Quả chuông đó đã bị bán đi sau này. Có chuyện thú vị là khi làm Lễ hội ở chùa Chén phải làm lễ tắm Phật, ở chùa Cổ Lai trước đó là chùa chính, từ xưa đã có qui mô lớn, tổ chức và hoạt động nề nếp.




Cụ Lê Văn Long (trái), cụ Hà Văn Xi (phải) trong Ban quản lý chùa Hà Linh tự

Theo Hương ước của làng được ghi nhận năm 1942 xác định lễ Kỳ cầu ở Cổ Lai ngày 15 tháng 3 được chi tới 10 đồng, Lễ Thường tân 10 tháng 10 chi 7 đồng. Ruộng Hậu ở đây có 2 mẫu, 7 sào, 14 thước do nhà chùa quản lý, phải nộp cho làng 2 thúng gạo/năm, còn lại chi dùng tại chùa. Chùa Hà Linh được xây dựng lại không được như xưa nhưng hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu tâm linh, thực hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc, hộ quốc an dân.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng nhưng tỉnh táo trước những biểu hiện lợi dụng để hoạt động trái pháp luật và tích cực đấu tranh với những biểu hiện truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan, không loại trừ tình trạng ấu trĩ, kém hiểu biết, thương mại hóa, buôn thần bán thánh. Tư tưởng của đạo Phật là Từ - bi - hỷ - xả, giải thoát tham – sân – si, khuyến thiện, trừng ác… Ai cũng có thể tìm hiểu và vận dụng trong đời sống hàng ngày. Bất giác tôi nhớ đến câu nói của nhà bác học Anhxtanh, tác giả thuyết tương đối và bằng cái chết của mình phản đối Mỹ sử dụng phát minh của ông để chế tạo bom nguyên tử, đại ý là: Tôn giáo không có khoa học thì mù quáng, khoa học không có tôn giáo thì khập khiễng. Chúng ta cùng suy ngẫm câu nói của Các-Mác “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.


VỀ ĐAN THƯỢNG

Ai về Đan Thượng, Hạ Hòa

Bao người con ở nơi xa nhớ thầm,

Đan Hà, Hậu Bổng, Động Lâm

Âu Cơ, Chí Thiện… vẫn chung dặm đường

Ga tàu kỷ niệm thân thương

Bến đò bãi chợ còn vương nụ cười

Bên sông hoa gạo đỏ tươi

Cây đa, giếng nước một thời ấu thơ.

Có người con của họ Hà

Bao năm phiêu bạt nơi xa trở về

Chiêm bái mộ Cổ ven đê

Viếng thăm chùa Chén nhớ về tổ tông…

Đất đai làng xóm ruộng đồng

Bao nhiêu công sức cha ông đắp bồi

Bao nhiêu máu đổ xương rơi

Cho ta hạnh phúc cuộc đời hôm nay

Mùa xuân con én lượn bay

Quê hương hò hẹn bấy nay ngày về.

---

ĐỀN NGHÈ



Đền Thượng còn gọi đền Nghè (1)

Chốn thiêng Đan Thượng, Đan Hà thờ chung:

Tướng quân từ thuở vua Hùng

Vì dân vì nước Ngài cùng Tản Viên

Chống Thục Phán giúp Duệ Vương

Ngài là Nguyên soái Cao Sơn Thượng thần.

Những người công đức với dân

Ở đâu cũng được tri ân phụng thờ.

(1): Có thể Nghè có trước, sau nâng cấp thành đền Thượng (Di tích đã xếp hạng), thờCao sơn Nguyên soái Đại vương và phối thờ Phất lang Thất vị Đại thần, Cầm cường Đại thần. Gò Nghè cao nhất, đẹp nhất với cây Đa cổ thụ nhất Đan Thượng

---

CHÙA CHÉN

Chùa Chén làng Đan còn sự tích

Họ Hà mộ Tổ vĩnh truyền lưu

Đan Thượng xưa có Cổ Lai

Cùng với Chùa Chén là hai ngôi chùa (1)

Cổ Lai nay thuộc Đan Hà

Được xây dựng lại gọi là Hà Linh

Chùa Chén còn ở quê mình

Là nơi hội tụ tâm linh bao đời

Lộ thiên phóng khoáng giữa trời

Năm ban thờ? Giữa đỉnh đồi ven sông!

Như câu đố của cha ông

Như khát vọng của tổ tông một thời.

Nguy nga cũng đổ nát rồi

Khiêm nhường còn trụ giữa đồi trơ trơ

Hàng năm mồng 8 tháng 4

Hội chùa niệm Phật, tiễn đưa Thuyền Rồng.

Tựa cửa thiền mới thành công?

Phải chăng thông điệp cha ông chúng mình.

(1): Cổ Lai tự là chùa chung của Đan Thượng và Đan Hà bị hủy hoại, nay thuộc Đan Hà mới được xây cất lại với tên Hà Linh Tự. Trước đây khi làm lễ hội Chùa Chén phải làm lễ trước ở Cổ Lai có nghi thức tắm tượng. Chùa Chén tọa lạc trên một gò cao, đẹp và là một Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Đan Thượng. Chùa để lễ Phật nhưng nơi đây còn để tưởng niệm cụ Hà Viết Đạo với cộng sự có công với dân làng.

---

MIẾU THẤT VỊ

Thất vị là những vị nào

Phải là đức cả công cao nghĩa dày?

Miếu xưa dấu tích còn đây

Ngôi cao Đền Thượng đến nay vẫn thờ.



(1): Miếu Thất vị ở xóm Sấu, chếch phía trước ga Đoan Thượng, thờ Phất lang Đại Thần, không rõ sự tích, tên tuổi và cũng phối thờ ở Đền Thượng. Miếu đã hoang tàn nhưng còn dấu tích ở đỉnh gò với nhiều đá kê cột rải rác trong vườn nhà ông Đinh Văn Vượng.

---

VÔ ĐỀ

Quên sao tiếng hú còi tàu

Đến ga Đoan Thượng (1), tiếng đầu máy reo

Xa quê dù có bao nhiêu

Vẫn thương vẫn nhớ vẫn yêu tiếng tàu…

Đã lâu có dịp đi tàu

Đậm đà truyền thống sắc màu quê hương.



(1): Vùng đất này xưa thuộc Đan Hà, sau cắt về Đan Thượng. Khi đặt tên Ga người ta đã đặt chệch thành Đoan Thượng (?)

---

VỀ VỚI EM

“Sông Thao nước đục người đen”

Ai về Đan Thượng với em thì về.

Xinh xinh làng nhỏ ven đê

Có chùa Chén có đền Nghè linh thiêng.

Chợ quê tuần họp ba phiên

Có ga xe lửa nối liền ngược xuôi.

Bãi sông khi lở khi bồi

Con đò năm tháng đưa người qua sông.

Lúa thì con gái xanh đồng

Hương cau thơm ngát một vùng Trung du.

Trời xuân én nhạn bay đưa

Hoa gạo nở đỏ như xưa mùa hè.

Đan Thượng tươi thắm miền quê

Gần thương xa nhớ có về với em.

Kiệm cần, nhân hậu thảo thơm

Ai về Đan Thượng với em thì về ./.

---

MÀU THỜI GIAN

Gặp lại bà con quê nhà

“Phi nội tắc ngoại” đều là anh em

Dẫu không còn ở Làng Đan

Tình quê đâu kể hèn sang giàu nghèo.

Nào là các cháu thương yêu

Đây anh đây chị vai xiêu da mồi.

Chú bác thành cụ cả rồi

Cô dì lụ khụ đứng ngồi lom khom.

Giật mình mới đó “còn xoan”

Mà nay mình cũng “đã toan về già”

Bạn trường lên ngạch lão bà

Dáng duyên thiên phú ấy là ngày xưa.

Đường xuân như lây phây mưa

Ô đi mà chẳng thấy che mấy người

Chỉ nghe tiếng khúc khích cười

Ngày xưa, thuở ấy một thời đã qua.

---

ĐÂU RỒI

Về quê là trở về nguồn

Vui bao nhiêu đấy lại buồn vẩn vơ.

Lũy tre, cây mít ngày xưa

Vườn chè, nương cọ, nắng trưa ve sầu

Triền đê bãi mía hàng cau

Ven sông hoa gạo đẹp màu quê hương.

Đâu rồi cái giếng thân thương

Dộc Xuôi, Mỏ Lấm vấn vương rừng Trà.

Đâu rồi Đình Vật cây đa

Con đò đợi khách nhà ga vắng người.

Đâu rồi xóm chợ đông vui

Lò rèn, lò gốm một thời xa xa.

Đâu rồi cam “quýt Đan Hà”

Trám, chay, măng, nhót, dâu da, mận, hồng

Táo, dứa, bưởi, ổi, cải ngồng

Cà giòn, cần cạn, cá đồng, gạo thơm.

Đâu rồi dưa sắn, nấm rơm

Tiếng trâu gõ mõ, cọ om, khoai bùi.

Đâu rồi...

Đâu rồi…

Đâu rồi…

Sông Thao bên lở, bên bồi về đâu.

Quá khứ không vị không màu

Không tên không tuổi nặng sâu đáy lòng .

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành các bài viết này có sự giúp đỡ tích cực, phối hợp nhiệt tình và có những thông tin quý báu của các quý cụ, ông bà: Hà Duy Hàn, Hà Ngọc Oanh, Hà Duy Cáp, Hà Kim Chuông, Hà Văn Lân, Lê Văn Long, Hà Đức Hoan, Hà Văn Quảng, Hà Duy Lý, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Tiếp Tâm, Nguyễn Thế Việt, Phan Vũ Thuyết, Nguyễn Thị Nin, Hà Xuân Khoát, Nguyễn Thị Thanh, Hà Quang Long, Hà Á Đông, Ma Quang Nghiêm….Đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Liên, Hà Khắc Khoan (Hà Nội) giúp tìm hiểu về Hán Nôm.

Xin trân trọng cám ơn./.

Bài và ảnh của tác giả

Rất mong được quan tâm và trao đổi theo địa chỉ:

Hà Văn Tăng (Điện thoại NR: 043.9763484; DĐ: 0913.221.580)
Để cung cấp thông tin rõ hơn về công cuộc tìm mộ Cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập của BLL Họ Hà Việt Nam, BTT website họ Hà xin kính gửi bà con họ Hà tài liệu của bác Hà Văn Sỹ - Phó CT thường trực BLL Họ Hà VN

Tải tài liệu tại đây

BLL Họ Hà Việt nam do cụ Hà Văn Lợi (97 tuổi), các bác Hà Quang Dự, Hà Phúc Mịch, Hà Văn Tăng, Giáo sư sử học Nguyễn Minh Tường, GS Hà Đình Đức... và một số đại biểu đại diện cho họ Hà VN, Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải phòng đã lên Chiêm Hóa Tuyên Quang để dâng hương bia đá cổ nhất họ Hà là Bia Bảo Ninh Sùng Phúc - dựng bởi cụ Hà Hưng Tông - năm 1107 viết về 8 đời họ Hà đều làm chức Châu Mục Châu Vị Long, 2 đời phò mã của vua Lý, giúp Lý Thường Kiệt tiến đánh Ung Châu phá tan âm mưu xâm lược của quân Tống.

Hình ảnh và VIDEO buổi dâng hương tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc








Giáo Sư Nguyễn Minh Tường và Hà Đình Đức cạnh tấm bia cổ nhất họ Hà (1107) và là tấm bia cổ thứ 2 của nhà Lý, cũng là một trong 5 tấm bia đá cổ nhất Việt nam



Bia : Bảo Ninh Sùng Phúc tại Xã Yên Nguyên - Huyện Chiêm Hóa - Tuyên Quang



Hình ảnh chùa "Bảo Ninh Sùng Phúc" mới xây dựng lại năm 2010. Chùa cổ đã xây gần 1000 năm ở ngay phía sau chùa mới phục dựng



Bấm vào link để xem "Cảnh dâng lễ tại chủa Bảo Ninh Sùng Phúc" : https://www.youtube.com/watch?v=CGaiQAnjRBk&feature=channel_video_title

Ban liên lạc họ Hà Việt nam vô cùng thương tiếc thông báo cụ HÀ VĂN LỢI - Trưởng Ban Liên lạc họ Hà Việt Nam - vì lâm bệnh nặng mặc dù đã được gia đình và các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu nên đã không qua khỏi và đã từ trần tại Bệnh viện Việt Đức - Thọ 98 tuổi . Tang lễ của cụ Hà Văn Lợi sẽ được tổ chức vào 11h-13h sáng thứ 3 ngày 27/11/2012 tại nhà tang lễ BV Việt Đức Hà Nội


Kính mời bà con trong họ đến tham dự buổi Lễ tang tiễn đưa cụ Hà Văn Lợi về nơi an nghỉ cuối cùng
BLLHHVN
Tháng Chạp là tháng thứ 12 cũng là tháng cuối cùng trong năm Âm lịch. Vào tháng này theo tục lệ người ta thường tổ chức họp họ tộc gọi là chạp họ và đi thăm, sửa sang lại mồ mả gia tiên gọi là chạp mả.

Làng cổ Mông phụ - Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội theo tục lệ bao đời nay cứ đến ngày 20 tháng chạp các dòng họ trong làng thực hiện việc chạp họ. Bà con ở làng hay ở nơi xa vào ngày hẹn này đều về dự chạp họ mình, thăm hỏi họ hàng, cúng tổ tiên, bàn việc họ, đóng góp việc tu bổ từ đường, mồ mả, vãn cảnh quê hương… rất thành tâm. Nhà thờ các dòng họ khoa bảng, nổi tiếng như nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, nhà thờ họ Phan của cụ Phan Kế Toại.v.v.. trang hoàng lộng lẫy, nhiều con cháu ở các nơi trong nước cũng về dự. Họ Hà là một trong các dòng họ lớn và lâu đời ở Đường Lâm, kỷ niệm 20 năm ngày tôn tạo, nâng cấp nhà thờ tổ họ cổ kính khang trang cho nên dịp này cũng rất đông vui, có đại diện Ban liên lạc Họ Hà Việt Nam dự là ông Hà Văn Sỹ, Hà Tài Phương, Hà Văn Tăng và ông Hà Kế Toán. Sau lễ dâng hương vái tổ, mọi người được thưởng thức cỗ với các món cổ truyền và bánh trái là sản vật địa phương do chính những bàn tay khéo léo của các gia đình trong họ thể hiện, rất thân tình đậm chất quê hương.

Nhà thờ tổ họ Hà ở Đường Lâm bằng gỗ quí, rộng 5 gian 6 hàng cột, mái ngói, sân gạch theo kiểu truyền thống. Ở gian chính có đôi câu đối sơn son thiếp vàng đẹp, nội dung sâu sắc, ý nghĩa:

Tiên tổ ân thâm đông hải đại
Tộc chi nghĩa trọng thái sơn cao...


Trước cổng, ngay cạnh lối đi có một giếng cổ xây bằng đá ong được trùng tu năm 1933 tạo dáng mặt đẹp với tấm bia có chữ Hán: Nhất phiến băng tâm (ảnh dưới)



Ảnh: Ban LL Họ Hà Việt Nam chụp ảnh chung với cụ Hà Văn Mại, (thường gọi là Xoan - đội mũ đỏ - Bộ cánh lụa trắng). Cụ là thủ nhang nhà thờ Tổ họ Hà ở Đường Lâm. Năm nay đã 92 tuổi nhưng rất minh mẫn khỏe mạnh, sống giản dị mẫu mực

Chạp họ là sự tri ân, uống nước nhớ nguồn và là nét đẹp văn hóa truyền thống của Họ Hà Đường Lâm và các dòng họ ở quê hương đất Hai Vua xứ Đoài.

HÀ VĂN TĂNG

Ngày 22/12/2012 tại Hà Nội thường trực BLL họ Hà Việt Nam họp và kết luận:

I. Năm 2012 BLL họ Hà VN đã làm được nhiều việc, cụ thể như sau:

1. Tổ chức lễ kỉ niệm 100 ngày sinh và khánh thành nhà lưu niệm cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn.
2. Chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ với UBNd tỉnh Tuyên Quang, hội Khoa học lịch sử Việt Nam, viện Hán Nôm tổ chức thành công hội thảo khoa học về các danh nhân họ Hà Châu Vị Long và giá trị tấm bia Bảo Ninh Sùng phúc tự (bia được dựng năm 1107).
3. Tham gia tài trợ làm khán thờ tổ họ Hà tại chùa Bảo Ninh và đúc chuông đồng tại chùa này (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang).
4. Dự lễ dâng hương đốt lửa nung đồng để đúc tượng Thượng tướng quân Trung Dũng hầu – Danh nhân văn hoá Việt Nam Hà Chương tại xã Châu Quế hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
5. Thực hiên dâng hương lễ tổ; thăm hỏi động viên các dòng họ, tổ chức chu đáo tang lễ cụ Hà Văn Lợi (1915 – 2012).
6. Tiếp tục củng cố hoặc triển khai các dự án di tích lịch sử văn hoá.

II.Trọng tâm công tác 2013

1. Tổ chức hội nghị Đại biểu họ Hà VN lần thứ 4 vào 6 tháng đầu năm 2013.
2. Tiếp tục củng cố các công trình di tích lịch sử văn hoá.
3. Tái bản cuốn họ Hà VN có sửa chữa bổ sung.
4. Phát hành đĩa DVD về danh nhân họ Hà.
5. Làm việc với các tổ chức, cơ quan liên quan thống nhất hội thảo khoa học về “Tướng quân Hà Mại và dòng họ Hà Nghệ Tĩnh”.
6. Toạ đàm về “Các danh nhân lịch sử họ Hà trên đất tổ vua Hùng – Phú Thọ” qua thần tích, sắc phong.
7. Phân công ông Hà Quang Dự nguyên UVTW Đảng, nguyên ĐBQH, nguyên Bí thư Thứ nhất TW Đoàn, nguyên Bộ trưởng chủ trì ban liên lạc họ Hà VN đến hội nghị đại biểu họ Hà VN lần thứ 4.

THƯỜNG TRỰC BLL HỌ HÀ VN
Sau một thời gian chuẩn bị công phu với sự phối hợp chặt chẽ của Viện Sử học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Ban liên lạc họ Hà Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Hội thảo “Một số nhân vật tiêu biểu họ Hà Nghệ Tĩnh thời kỳ trung đại và cận đại Việt Nam” tổ chức ngày 20.9.2014 tại Hà Tĩnh đã thành công tốt đẹp.

Hội thảo đã thu hút hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học lịch sử ở Trung ương và địa phương, một số trường đại học, Viện lịch sử quân sự, nhà nghiên cứu Hán Nôm, cán bộ ngành văn hóa Hà Tĩnh, các đại biểu họ Hà Việt Nam ở Hà Nội và các tỉnh bạn, các đại biểu dòng tộc họ Hà ở Nghệ Tĩnh cùng Lãnh đạo tỉnh, Ban tuyên giáo tỉnh ủy và một số ban ngành đã tham dự. Chủ trì hội thảo là PGS.TS Đinh Quang Hải, Quyền Viện trưởng Viện Sử học; ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc sở VHTTDL Hà Tĩnh và ông Hà Quang Dự, Trưởng ban liên lạc họ Hà VN.

Có 32 bản tham luận đã được giới thiệu với các đại biểu, trong đó có 11 bản được trình bày bày tại Hội thảo với một số đại biểu phát biểu trao đổi trong Hội trường.

Từ trái sang: Ô.Đặng Quốc Vinh (thứ 3), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh; PGS.TS Đinh Quang Hải (thứ 4), Q.Viện trưởng Viện Sử học; Ô.Hà Văn Thạch (thứ 5), Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ô. Hà Quang Dự (thứ 6), Trưởng BLL họ Hà VN; Ô.Bùi Đức Hạnh (thứ 7), Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 13/03/2010 vừa qua tại Trường Cán bộ Hội nông dân Việt nam , đại hội đại biểu Họ Hà Việt nam lần thứ 3 đã diễn ra vơi sự có mặt của hơn 120 vị đại biểu từ 15 tỉnh thành trên Toàn quốc.

Tại đại hội, bác Hà Văn Tăng - nguyên cục trưởng cục văn hóa cơ sở - Bộ VHTT đã dẫn dắt chương trình. Sau lời chào mừng của cụ Chủ tịch ban liên lạc Hà Văn Lợi (Năm nay 96 tuổi), bác Hà Văn Sĩ phó chủ tịch thường trực BLL đọc tổng kết những công việc đã thực hiện trong 5 năm qua và đề xuất các phương án hành động cho 5 năm tiếp theo 2010 - 2015. Bác Hà Văn Sĩ cũng đã báo cáo toàn bộ quá trình công tác tìm kiếm và quy tập thành công hài cốt của cố Tổng Bí Thư Đảng CSVN Hà Huy Tập.




Tiếp theo anh Hà Tuấn Anh phụ trách website của họ đã báo cáo cho toàn thể Đại hội về tình hình hoạt động của website đồng thời đề xuất thành lập CLB Doanh nhân họ Hà Việt nam tiêu biểu.

Lần lượt đại biểu Họ Hà các tỉnh thành đã lên trao đổi ý kiến về việc phát triển các chi tộc họ Hà tại địa phương.

Đến dự Đại hội còn có cả đại diện của BLL Họ Vũ/Võ, họ Mai, Họ Nguyễn đến chào mừng và chia xẻ kinh nghiệm việc họ

Đại hội cũng đã bầu Ban chủ nhiệm của nhiệm kỳ mới 2010-2015 và nhất trí cao độ tiếp tục đề cử bác Hà Văn Lợi là chủ tịch BLL.

Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp, mời các quý vị xem các hình ảnh tại buổi Đại hội
































































Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Blog Archive