HÀ CÔNG MAI – HÀ CÔNG CHỈNH
HAI VỊ QUẬN CÔNG, TRUNG ĐẲNG THẦN
Theo Phả lục do Nguyễn Bính – Thượng thư bộ Lễ - Đông các Đại học sỹ biên soạn vào năm 1470, được Bo lại cho sao chép lại vào năm 1740 còn được lưu giữ ở Xương Thịnh huyện Hoa Khê, phủ Hưng Hóa, trấn Sơn Tây (nay là huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vào thời Hùng Vương ở Trang Xương Thịnh có 2 người họ Hà là Hà Quang kỷ và Hà Quang Minh (xem ảnh 1). Họ sống lương thiện ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con cái. Sau một lần đi cầu tự, nhận được đào tiên thụ lộc, cả 2 nhà đều sinh con trai. Một người được đặt tên là Hà Công Mai, người kia là Hà Công Chỉnh. Được học hành từ nhỏ, lớn lên họ đều thông kinh sử, văn võ song toàn. Hai người cùng đi thi, đều đỗ đạt và cùng được bổ làm quan. Hà Công Mai là Tả văn quan; Hà Công Chỉnh là Hữu võ quan. Hai vị nhiều lần hiển ứng có công giúp dân, giúp nước. Bông nhiên cả hai đều hóa cùng ngày.
Triều đình phong cho Hà Công Mai là Chỉ huy sứ hiển ứng quận công đại vương, Trác vĩ hùng việt nhân mưu hồng ân, Trung đẳng thần. Hà Công Chỉnh được phong là Tụ Đô đốc hiển ứng Quận công Đại vương, xung tĩnh trung lương quảng bác đức trạch, quách cảnh diên linh hồng huân, Trung đẳng thần. Việc thờ cúng do dân làng Xương Thịnh và họ Hà bản xã đảm nhiệm. Các ngày sinh, ngày hóa của các vị quận công đều có cỗ chay, kiêng húy các chữ Mai, Tụ, Chỉnh.
Ở Xương Thịnh đến nay vẫn còn 2 ngôi đền thờ các vị thần trên và họ Hà hương khói đều đặn
Đền thờ ở xóm Giữa còn bức hoành phi: “Tối linh Từ”. Tại gian chính có ngai với bài vị: Thượng tổ Hộ bộ quận công Hà Quốc Tụ đại thần. Hai gian hai bên có 2 ngựa gỗ, một trắng một đỏ; trên ban thờ còn một số đồ thờ cúng đã lâu đời. Phía sau, sát tường là một ngôi mộ đắp đất hình nấm to, tương truyền là mộ của Hà Quốc Tụ.
Tại xóm Thượng còn một đền nhỏ, ngoài ban thờ đơn sơ, còn lưu giữ một vài di vật của ngôi đình Xương Thịnh đã bị huỷ hoại từ lâu.
Một số sắc phong cho Thành hoàng làng có các quận công Hà Công Mai và Hà Công Chính được bà con họ Hà cất giữ, trân trọng. Riêng bản Phả lục ( còn được gọi là Nhị vị thành hoàng Thượng đẳng thần ) là cuốn sách nhỏ bằng giấy dó, viết chữ Hán rất đẹp, sắc nét, nhưng đáng tiếc là đã bị mất bìa và các trang cuối.
Trước đây vào dịp lễ hội, dân làng tổ chức rước kiệu, kéo ngựa từ đền ra đình, sau đó lại rước trả về đền. Gần đây ngôi đền ở xóm Giữa đã được nâng cấp tôn tạo lại để là nơi cúng tế, tri ân các vị tổ họ Hà cách đây trên 2000 năm. Như vậy Hà Công Mai và Hà Công Chỉnh ( Hà Quốc Tụ ) là người họ Hà có công ở Việt Nam; đó cũng là những người họ Hà xuất hiện sớm nhất trong lịch sử dân tộc cho đến nay mới được biết đến.
Thời đại Hùng Vương là thời đại phát triển rực rỡ của dân tộc. Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới từng đánh giá: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước…..”Hiện tượng ở vùng đất Tổ có Hà Công Mai và Hà Công Chỉnh là một minh chứng sinh động cho thời kỳ hình thành và phát triển nhà nước Văn Lang như giai đoạn bình minh rạng rỡ của Nhà nước Đại Việt sau này và Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay. Sự tích Hà Công Mai, Hà Công Chỉnh như truyền thuyết, như dã sử, nhưng những gì đã và đang hiện hữu bằng cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần được nhân dân và bà con họ Hà Xương Thịnh trân trọng giữ gìn là rất đáng ghi nhận. Nguyện vọng của bà con là các cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét công nhận di tích đền thờ các vị Quận công họ Hà ở Xương Thịnh là di tích lịch sử văn hóa.
HÀ VĂN TĂNG SƯU TẦM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét