Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Năm 2016, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra đời cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi” của nữ nghệ sỹ Ái Vân gây ấn tượng với độc giả.

Ca sỹ Ái Vân được khán thính giả mến mộ, nổi tiếng một thời. Qua cuốn tự truyện nêu trên mà ca sỹ coi như “cục nợ trần gian” chúng ta hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về gia đình cũng như bản thân người nghệ sỹ tài sắc, đa đoan này.

Hà Thị Ái Vân, sinh cuối năm 1954 ở Phố Huế - Hà Nội, cha là Hà Quang Đinh (1913 – 2007) từng nổi tiếng với danh hiệu công tử Hà thành. Mẹ là Ái Liên – nữ nghệ sỹ cải lương tài danh cả trong Nam, ngoài Bắc. Ông nội của Ái Vân là Hà Quang Oánh – một nhà kinh doanh bất động sản giàu có .

Nhà Ái Vân ở cùng ông bà nội ngoại tại 36 – 38 Phố Huế, Hà Nội. Nơi đây từng là trụ sở của gánh hát Ái Liên một thời. Ái Vân có 14 anh chị em, trong đó 3 người anh chị đầu là của con bà mẹ cả Tân Ninh. Bà Ái Liên có 11 người con, nhiều người là nghệ sỹ. Ái Loan – nghệ sỹ cải lương; Hà Quang Sơn – sân khấu; Hà Quang Văn – học Đại học Sân khấu ở Liên Xô, sau này là Hiệu trưởng Đại học Sân khấu TP Hồ Chí Minh; Ái Xuân, Ái Thanh một thời đều là diễn viên Nhà hát tuổi trẻ.

Ái Vân có năng khiếu nghệ thuật, nổi trội là nhạc nhẹ. Từ nhỏ đã tham gia Chương trình ca nhạc măng non ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng cùng em Ái Xuân. 16 tuổi tham gia đóng phim. Có lần được vào Chủ tịch phủ hát cho Bác Hồ nghe. Năm 1975, Ái Vân học Đại học Thanh nhạc, ra trường đi phục vụ ở cả Biên giới phía Bắc và phía Nam trong đội hình Đoàn ca múa nhạc Trung ương.

Năm 1981, trong liên hoan ca múa nhạc quốc tế 10 ở Dresden – Cộng hoà Dân chủ Đức, Ái Vân được vinh danh với giải thưởng lớn Grand Prix.

Từ năm 1990, sống ở hải ngoại; năm 1998, Ái Vân về nước, có biểu diễn ở một số nơi.

“Để gió cuốn đi” của Ái Vân có nhiều thông điệp khá hay, chân thật, xúc tích. Báo chí đưa tin, trích đăng, trong đó có thông tin sẽ dựng thành phim.

Dưới đây là một số hình ảnh trong cuốn tự truyện này.



Ngày 29/11/2016, Hội nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Dzếnh – một trong những sáng lập viên của Hội.

Hồ Dzếnh là phiên âm theo tiếng Quảng Đông, tên là Hà Anh, còn gọi là Hà Triệu Anh. Ông sinh năm 1916 ở lang Đông Bích, xã Hoà Trường, nay là xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Cha là Hà Kiến Huân, người Quảng Đông, Trung Quốc, sang làm săn ở Việt Nam khoảng năm 1890. Mẹ là Đặng Thị Văn, lái đò ở Bến Ghép – Quảng Xương – Thanh Hoá. Tuy nhà nghèo nhưng ông được cha mẹ cho ăn học, đỗ tiểu học ở quê rồi ra Hà Nội học Thành chung năm 1931, sau đó đi dạy học. Ông viết truyện ngắn đầu tay “Lòng mẹ” và làm thơ, được in ở “Trung Bắc chủ nhật” và “Tiểu thuyết thứ bẩy” lúc bấy giờ. Năm 1942, ông cho ra đời tập truyện “Chân trời cũ” và tiểu thuyết “Một chuyện tình 15 năm trước”.

Năm 1945, Hồ Dzếnh tham gia cách mạng, rồi tiếp tục làm thơ, viết truyện, viết kịch. Năm 1948 về Thanh Hoá, lập gia đình với Nguyễn Thị Huyền Nhân –một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 1950, bà Nhân qua đời để lại một người con trai mới 4 tháng tuổi. Năm 1953, Hồ Dzếnh vào Sài Gòn rồi trở về Hà Nội tiếp tục sự nghiệp văn chương. Ở Hà Nội, ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Hồng Nhật và vợ goá của cố thi sỹ Trần Trung Phương. 

Năm 1957, tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Ông còn tham dự Đại hội của Hội Nhà văn lần thứ 3 (1983), lần thứ 4 (1989). 

Thời kỳ 1958 – 1975, Hồ Dzếnh cũng tham gia các đợt văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế, khoác áo người thợ (hợp đồng) tại các nhà máy Trung quy mô, nhà máy xe lửa Gia Lâm ở Hà Nội và viết báo, đăng thơ dưới các bút danh khác nhau. 

Năm 1991, sau dịp mừng thọ 75 tuổi, nhà thơ mất tại nhà riêng ở Hà Nội. 

PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhận định văn xuôi của Hồ Dzếnh góp sức mở rộng khả năng của truyện ngắn trữ tình, tạo nên sự giao thoa, tiếp nối giữa thơ và truyện. TS. Đỗ Thu Huyền cho rằng: thơ Hồ Dzếnh như bức tranh dang dở, những cảm xúc ngập ngừng và được vẽ bởi sắc màu bảng lảng. Nhà thơ Vũ Quần Phương xếp Hồ Dzếnh ngồi cùng chiếu với Thạch Lam, Thanh Tịnh về cả giọng điệu lẫn tâm tình. 

Trong từ điển văn học (T1, XB 1983) có mục từ Hồ Dzếnh. Năm 1988, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản “Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc”. Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin cho ra đời “Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp”. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Dzếnh đã đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phối hợp với gia đình nhà thơ biên soạn và xuất bản toàn tập những sáng tác của Hồ Dzếnh. 

Lúc còn đi học ở quê, có ai đó đã gieo vào lòng tôi câu thơ: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời chỉ vui khi đã trọn lời thề” Sau này tôi mới được biết tác giả của câu thơ trên là Hồ Dzếnh, lấy trong bài “Ngập ngừng” mà cả bài của nó thế này:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân 

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần.. 

Tôi khẽ nói: Gớm, làm sao nhớ thế? 


Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 

Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu? 

Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu 

Thủa ân ái mong manh như nắng lụa 

Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa, 

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi 

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi! 

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 

Tôi sẽ trách – cố nhiên, nhưng rất nhẹ 

Nếu trót đi, em hãy gắng quay về, 

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề 

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. 

Thư viết xong thuyền trôi chớ đỗ 

Cho nghìn sau ... lơ lửng .. với nghìn xưa. 

(Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp T243 – 244)[1]

Hà Văn Tăng 
 
=================================================

[1] Tài liệu: - Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ngày 3/12/2016

- Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp, NXB Văn hoá – Thông tin, 2001

- Báo An ninh Thủ đô, 30/11/2016


Nhà thơ Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng, sinh tháng 12/1935 (Có tài liệu nói là 1/1936), tại làng Ngũ Giáo, Thanh Quít, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con út trong một gia đình có truyền thống hiếu học và đỗ đạt, là hậu huệ đời thứ 12 của Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng Hà Đức Ân, thời Lê Trung Tông, người theo Trịnh Tùng Nam tiến lập ra làng Ngũ Giáp, Thanh Quít ngày nay. Cha là Hà Đình (1895 – 1967), ảnh hưởng tư tưởng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, tham gia Cách mạng tháng 8/1945, rồi được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời, Hội đồng nhân dân xã Châu Phong. Sau năm 1954, cụ Hà Đình bị giặc bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, sau được tha rồi mất bởi bệnh tật. Chị gái thứ ba của Đức Trọng là Long cũng tham gia Cách mạng, bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man đã hy sinh anh dũng.

Người Quảng Nam kiêu hãnh với truyền thống lịch sử văn hoá: “Trung dũng, kiên cường” “Ngũ phụng tề phi”, tự hào với sông Thu Bồn tạo nên làng quê giàu đẹp, thấm đậm bản sắc trung liệt, khoa bảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp. Rồi mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Nguyễn Văn Trỗi say này. Gia đình và quê hương ấy đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng Hà Đức Trọng. Cho đến khi rời miền Bắc trở về Nam (sau khi tập kết) để chiến đấu giải phóng quê hương, Hà Đức Trọng đã mang bí danh Thu Bồn – con sông nổi tiếng quê hương.

Tính cách người Quảng Nam cũng tạo nên phong cách nghệ thuật của nhà thơ Thu Bồn. Quảng Nam là đất khai phá, có dấu ấn rất quan trọng trong hành trình mở nước khi người Việt vượt đèo Hải Vân vào nơi “thế nước chảy gấp, thổ lực không hậu” như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét. 

Ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây là Phạm Đức Nam đã đánh giá: “Thu Bồn – nhà thơ lớn- người Quảng lớn” và đầy ắp “chất Quảng rặt” ở Thu Bồn.

Cuộc đời nhà thơ Thu Bồn luôn rực sáng, càng rực sáng hơn ở những bước ngoặt của lịch sử đất nước, ở lúc cam go, quyết liệt nhất của chiến tranh. Vào những lúc đó, nhà thơ luôn là người đi tiên phòng và đều để lại những tác phẩm ghi dấu mốc lịch sử.

Nhà thơ Anh Ngọc, khi nói về bút danh mang tên dòng sông quê mẹ của Hà Đức Trọng như sau: Nhà thơ Thu Bồn cũng là một dòng sông, dòng sông chở nặng tình yêu... Dòng sông cho con người mượn tên mình để khai sinh giữa đất trời, để góp mặt với đời và đến lượt mình, con người lại mang dòng sông đến với muôn người, làm rạng danh dòng sông ở giữa cuộc đời.

Năm 12 tuổi, Hà Đức Trọng đã phải rời quê hương gia nhập thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội và chiến đấu. Ông đã trở thành người con thân yêu của mọi miền đất nước. Sau chiến tranh chống Pháp, ông là lính pháo binh rồi được đi học Đại học Sư phạm Hà Nội. Trở lại chiến trường khu V và Tây Nguyên, lúc làm phóng viên, lúc làm pháo thủ, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ rồi tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhà thơ Thu Bồn – chiến sỹ Hà Đức Trọng đã có mặt ở những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, rồi cùng tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975. Sau đó lại có mặt ở chiến trường Biên giới Tây Nam. Đặc biệt, Thu Bồn đã trở thành già làng ở Tây Nguyên, khi là già làng I. Blốc, khi là già làng suối Lồ Ồ.

Trường ca “Bài ca chim Chơrao” là mở đầu đột phá trường ca hiện đại của Thu Bồn đã ra đời tại một buôn làng Đê pa Plech – Tây Nguyên và được in Báo Văn nghệ năm 1964, đã gây chấn động làng văn chương. Ngay sau đó, Thu Bồn đã được trao giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu và trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi mới 27 tuổi. Thu Bồn là một trong số ít hiếm hoi các nhà văn Việt Nam hiện đại viết về Tây Nguyên thành công nhất. Theo Trung Trung Đỉnh: đối với Tây Nguyên, chưa có một nhà thơ nào viết được hay và nhiều như Thu Bồn

Thu Bồn là một người đa tài, đa đoan. Khi là Hà Đức Trọng, ông đã nổi tiếng trong thi chạy việt dã do Báo Tiền Phong tổ chức. Ông viết tiểu thuyết, làm thơ, làm báo.. đặc biệt là viết trường ca nhiều nhất. Thu Bồn đã có 7 trường ca, 5 tập thơ. Riêng 1986, cho ra đời 4 tiểu thuyết, trong đó có 2 tập dầy. Ông được nhận giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh với 4 tác phẩm là:

- Tuyển thơ Thu Bồn

- Tập truyện ngắn đặc sắc “Dưới tro”

- 2 tiểu thuyết “Chớp trắng” và “Vùng pháo sáng”

Vũ Quảng trong “Nghệ thuật mới” số ra tháng 11/2016 viết về Thu Bồn như sau: Đến như sóng và đi như gió. Ăn to nói lớn đúng chất Quảng Nam thứ thiệt. Thu Bồn được mệnh danh là một tráng sĩ thơ, với cả hai ý nghĩa về tính cách sinh hoạt và giọng điều thơ hào sảng. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết rằng: Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành đồng... Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng.

Thu Bồn – Hà Đức Trọng là niềm tự hào của Quảng Nam, của thơ văn cách mạng và tự hào của Quân đội và người Việt Nam chúng ta.[1]

Hà Văn Tăng

[1] Tài liệu: Thư viện Quốc gia, Báo Nghệ thuật mới (chuyên đề Báo Người Hà Nội tháng 11/2016)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Ở Xã Hiền Quan huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ có mộ Tứ Vị Đại Vương - tương truyền là 4 vị Đại vương họ Hà từ thời Vua Hùng trên 2000 năm trước.

Theo truyền thuyết thì đây chính là nơi Thủy tổ của họ Hà Việt Nam và hiện tại ở xã Hiền Quan vẫn còn mộ của 4 vị Đại Vương này và bên trong Đình Làng có những sắc phong rất quý giá về 4 vị Đại Vương họ Hà này.

4 Vị đã có công lớn với nhân dân nên được dân tôn thành các vị Hoàng Làng và được các triều Vua sắc phong sau này.

Hiền Quan hiện nay cả xã đều là người họ Hà.


Hội Đồng Họ Hà Việt Nam năm 2012 cũng đã về Viếng mộ Tứ vị Đại Vương


Mộ của tứ vị Đại vương hiện được xây cất quy mô và cổ kính


Cụ Lợi cố Chủ tịch Ban Liên Lạc họ Hà (cũ) nay là Hội Đồng họ Hà cùng toàn thể BLL đã về viếng mộ các vị Đại Vương.


Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Sáng Thứ 6 8h30 ngày 3/6/2016 vừa qua đã diễn ra Hội nghị đại biểu Hội đồng họ Hà Việt Nam ( lần thứ 2 - nhiệm kỳ IV) tại Tầng 23 - toà nhà Sông Đà.

Nội dung của hội nghị sẽ được chúng tôi cập nhật trong thời gian sớm nhất

Hãy cùng xem qua một số hình ảnh ghi lại trong hội nghị :





































Cụ Hà Thược, tự là Hà Ngại sinh năm 1890 ở làng Phú Quý – nay là thôn Nakhom xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cụ là hậu duệ đời thứ 14 dòng Hà Phước ở Quảng Nam. Sinh trưởng trong gia đình nhà nghèo, từ nhỏ Hà Thược đã rất chăm học. Năm 22 tuổi đỗ Cử nhân (Hán học) rồi đỗ trường Hậu Bổ (Tây học). Cụ làm quan triều Nguyễn qua nhiều chức vụ khác nhau và ở nhiều nơi. Mới đầu ở Bình Định rồi Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Kon Tum. Cuối cùng khi làm Tuần vũ tỉnh Kon Tum thì đến cách mạng tháng 8-1945, cụ giao chính quyền cho cách mạng, nghỉ hưu ở Huế, dạy chữ Nho. Đến năm 1960, cụ vào Sài Gòn sống với con trai trưởng Hà Thúc; mất năm 1976, tro cốt cụ được đặt ở chùa Vĩnh Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh).


Chân dung ( bán thân ) cụ Hà Ngại





Bà Thanh Hà (vợ ông Hà Thúc, con dâu trưởng của cụ Hà Ngại – người giao cho Nguyễn Đắc Xuân sử dụng tập hồi ký Khúc Tiêu Đồng)

Ông nội của Hà Ngại đỗ tú tài, tham gia tích cực phong trào Cần Vương gọi là Nghĩa Hội ở Quảng Nam, thời vua Hàm Nghi. Tinh thần hiếu học và yêu nước của ông nội có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của Hà Ngại sau này.

Những thông tin trên được rút ra từ Hồi ký của Hà Ngại với tiêu đề Khúc Tiêu Đồng, hiệu đính bởi nhà văn Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Đắc Xuân, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2014.

Khúc Tiêu Đồng dày 373 trang, khổ sách 14x20cm cho ta thấy một Hà Ngại nhân đức thanh liêm, chính trực. Từ nhỏ là người con ngoan, trò giỏi, bạn tốt. Khi làm quan Hà Ngại khôn khéo để hoàn thành chức phận trong bối cảnh quan trường nhiễu nhương, đất nước bị thực dân đô hộ, đồng thời an dân thực hiện được tâm nguyện trong hoàn cảnh của mình.

Hà Ngại còn bộc lộ khiếu thơ ca duyên dáng, hóm hỉnh.

Đây là bài thơ về Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa):

Hàm Rồng cảnh đẹp giữa trời Nam 

Rồng đã đi đâu để lại Hàm ? 

Giận đá chờ ai ngồi lúc ngúc 

Thương cần vì nước đứng lom khom 

Sóng như đắc chí chờn vờn nhảy 

Trăng cũng ham vui lấp ló dòm 

Có khách tiếc thay không có chủ 

Thâm để thêm thẹn với danh lam 

Bài Ngẫu vịnh ở Kon Tum:

Chen vai thủ kiến đã đà vinh 

Phong cảnh Kon Tum lại có tình 

Thân đất thấp lần, sông chảy ngược 

Chân trời cao bổng núi thu hình 

Làng thi xem lại dân còn kém; 

Cần rượu say rồi mọi cũng xinh! 

Vừa được làm quan vừa ở ẩn 

Lâm tuyền bốn phía của riêng mình. 

Khúc Tiêu Đồng có nhiều thông tin, tư liệu, ảnh, thơ... có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, có những truyện về quan trí, quan trường. Đây là tài liệu quý cho nghiên cứu nhân vật lịch sử nhất là bà con họ Hà chúng ta.


Hà Nội, tháng 4/2016 



Hà Văn Tăng (Sưu tầm) 



Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Hà Vi Tùng tên khai sinh là Hà Đình Tùng, quê phố Xuân Hòa, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Quê gốc là Đa Phúc, xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây nay thuộc Quốc Oai, Hà Nội. Ông sinh ngày 8-2-1925, mất tại Nha Trang ngày 19-12-1994. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của thiếu tướng Hà Vi Tùng, gia đình và đồng đội của ông đã biên soạn cuốn sách “Tướng Hà Vi Tùng – một người lính Nam tiến” viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Đại tướng Nguyễn Quyết viết lời giới thiệu. Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2015.

Theo cuốn sách này, Hà Vi Tùng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thành thị ở Tuyên Quang. Cha là Hà Đình Thung (hay Nai) mất năm 1970, làm nghề thợ xây, quê làng Thầy (thôn Đa Phúc, Sài Sơn, Sơn Tây). Mẹ là Lê Thị Giản, làm nghề buôn bán nhỏ, quê làng Chèm, Hà Nội. Con trai cả là Đại tá Hà Hoài Nam, nối nghiệp cha đang phụ trách một đơn vị ở phía Nam.

Hà Vi Tùng lúc nhỏ đi học, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia giành chính quyền ở Tuyên Quang. Gia nhập quân đội, được cử đi học quân chính khóa 1. Cuối năm 1945, sau khi Pháp trở lại Nam Bộ, ông xung phong Nam tiến chiến đấu chống giặc được phân công ở chiến trường Nam Trung Bộ. Ông là người dũng cảm, trưởng thành qua nhiều cương vị từ cơ sở lên ở khu V. Đánh Pháp rồi đánh Mỹ, Hà Vi Tùng đã đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, từ cán bộ sư đoàn đến quân khu và ở các chiến trường khác nhau. Mặt trận Tây Nguyên , Quân khu 5 , Quân khu Hữu Ngạn, Mặt trận Cánh Đồng Chum – Hạ Lào , Mặt trận Bình Trị Thiên, Quân khu I, Học viện quân sự cao cấp, Hiệu trưởng trường sỹ quan lục quân 3. Ông được phong quân hàm Trung tá năm 1958, Thượng tá năm 1965, Thiếu tướng năm 1985. Tướng Hà Vi Tùng được tặng thưởng nhiều Huân huy chương các loại, trong đó có Huân chương độc lập, và Huân chương quân công. Khi nghỉ hưu , ông còn tham gia trung ương hội cựu chiến binh Việt Nam và là chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh Khánh Hoà.





Đại tướng Nguyễn Quyết đánh giá cao lớp cán bộ quân đội suốt đời xả thân vì nước như Hà Vi Tùng và coi đó là “thế hệ đặc biệt”.

Đồng đội của ông có câu đối viếng khi ông qua đời như sau:


“Chiến trận xông pha, thù khiếp, dân yêu, công đức lớn

Hòa bình xây dựng, Đảng tin, bạn mến, nghĩa tình sâu.”
Nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương có lời trân trọng:


“Người đi vọng lại lời non nước

Lưu mãi muôn sau một chữ tình”

Năm 1989, tức là 5 năm trước khi về cõi thiên thu, tướng Hà Vi Tùng đã viết di chúc trong đó có dặn lại gia đình những điều sâu sắc:

“Đề phòng bố ra đi đột ngột, bố dặn các con phải giữ truyền thống của gia đình ta...Vợ chồng con cái phải yêu thương nhau, nhường nhịn nhauSống giản dị, thẳng thắn, trong sạch, không đua đòi.Yêu nước, yêu lý tưởng Chủ nghĩa Xã hội. Quý trọng các chú, các bác là đồng đội của bố...”


Hà Vi Tùng là hình ảnh đẹp về Anh bộ đội cụ Hồ và là một nhân cách sống của người Việt Nam.

Hà Văn Tăng

Vân Hồ, Hà Nội, tháng 4/2016

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Ông Trịnh Yên - Giám đốc Trung tâm Văn hoá gia đìnhđình và Dòng họ Việt Nam ( thuộc hiệp hội UNESCO VN) thăm và tặng quà cho Hội đồng họ Hà Việt Nam

Cuộc họp thường trực họ Hà Việt Nam


Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT