Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Ngày 29/11/2016, Hội nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Dzếnh – một trong những sáng lập viên của Hội.

Hồ Dzếnh là phiên âm theo tiếng Quảng Đông, tên là Hà Anh, còn gọi là Hà Triệu Anh. Ông sinh năm 1916 ở lang Đông Bích, xã Hoà Trường, nay là xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Cha là Hà Kiến Huân, người Quảng Đông, Trung Quốc, sang làm săn ở Việt Nam khoảng năm 1890. Mẹ là Đặng Thị Văn, lái đò ở Bến Ghép – Quảng Xương – Thanh Hoá. Tuy nhà nghèo nhưng ông được cha mẹ cho ăn học, đỗ tiểu học ở quê rồi ra Hà Nội học Thành chung năm 1931, sau đó đi dạy học. Ông viết truyện ngắn đầu tay “Lòng mẹ” và làm thơ, được in ở “Trung Bắc chủ nhật” và “Tiểu thuyết thứ bẩy” lúc bấy giờ. Năm 1942, ông cho ra đời tập truyện “Chân trời cũ” và tiểu thuyết “Một chuyện tình 15 năm trước”.

Năm 1945, Hồ Dzếnh tham gia cách mạng, rồi tiếp tục làm thơ, viết truyện, viết kịch. Năm 1948 về Thanh Hoá, lập gia đình với Nguyễn Thị Huyền Nhân –một cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa. Năm 1950, bà Nhân qua đời để lại một người con trai mới 4 tháng tuổi. Năm 1953, Hồ Dzếnh vào Sài Gòn rồi trở về Hà Nội tiếp tục sự nghiệp văn chương. Ở Hà Nội, ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Hồng Nhật và vợ goá của cố thi sỹ Trần Trung Phương. 

Năm 1957, tham dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam. Ông còn tham dự Đại hội của Hội Nhà văn lần thứ 3 (1983), lần thứ 4 (1989). 

Thời kỳ 1958 – 1975, Hồ Dzếnh cũng tham gia các đợt văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế, khoác áo người thợ (hợp đồng) tại các nhà máy Trung quy mô, nhà máy xe lửa Gia Lâm ở Hà Nội và viết báo, đăng thơ dưới các bút danh khác nhau. 

Năm 1991, sau dịp mừng thọ 75 tuổi, nhà thơ mất tại nhà riêng ở Hà Nội. 

PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhận định văn xuôi của Hồ Dzếnh góp sức mở rộng khả năng của truyện ngắn trữ tình, tạo nên sự giao thoa, tiếp nối giữa thơ và truyện. TS. Đỗ Thu Huyền cho rằng: thơ Hồ Dzếnh như bức tranh dang dở, những cảm xúc ngập ngừng và được vẽ bởi sắc màu bảng lảng. Nhà thơ Vũ Quần Phương xếp Hồ Dzếnh ngồi cùng chiếu với Thạch Lam, Thanh Tịnh về cả giọng điệu lẫn tâm tình. 

Trong từ điển văn học (T1, XB 1983) có mục từ Hồ Dzếnh. Năm 1988, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản “Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc”. Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin cho ra đời “Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp”. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Dzếnh đã đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phối hợp với gia đình nhà thơ biên soạn và xuất bản toàn tập những sáng tác của Hồ Dzếnh. 

Lúc còn đi học ở quê, có ai đó đã gieo vào lòng tôi câu thơ: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời chỉ vui khi đã trọn lời thề” Sau này tôi mới được biết tác giả của câu thơ trên là Hồ Dzếnh, lấy trong bài “Ngập ngừng” mà cả bài của nó thế này:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 

Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân 

Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần.. 

Tôi khẽ nói: Gớm, làm sao nhớ thế? 


Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! 

Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu? 

Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu 

Thủa ân ái mong manh như nắng lụa 

Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa, 

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi 

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi! 

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 

Tôi sẽ trách – cố nhiên, nhưng rất nhẹ 

Nếu trót đi, em hãy gắng quay về, 

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề 

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. 

Thư viết xong thuyền trôi chớ đỗ 

Cho nghìn sau ... lơ lửng .. với nghìn xưa. 

(Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp T243 – 244)[1]

Hà Văn Tăng 
 
=================================================

[1] Tài liệu: - Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ngày 3/12/2016

- Hồ Dzếnh – một hồn thơ đẹp, NXB Văn hoá – Thông tin, 2001

- Báo An ninh Thủ đô, 30/11/2016


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT