ĐÌNH ĐAN THƯỢNG
Đình Đan Thượng gọi là Đình Vật, hay Đình Trắng, Đình Công, thờ thần hoàng làng (hay Thành hoàng), vị thần bảo hộ cho làng Đan Thượng. Theo tín ngưỡng của người Việt khi lập làng người ta tôn vinh người có công đức lớn, có uy danh, kể cả người còn sống làm Thành hoàng. Đó là thiết chế văn hóa tín ngưỡng hình bóng không thể thiếu ở các làng quê.
Đình Vật thờ Cao Sơn Nguyên soái Đại Vương theo sắc phong của triều đình phong kiến trước đây mà các chức sắc của làng đã ghi nhận năm 1938. Ngài là Thượng đẳng thần được thờ ở Đền Thượng, và ở cả hai đình của hai làng Đan Thượng, Đan Hà. Trước đây người dân Đan Thượng, Đan Hà đã chung sức xây dựng chùa Cổ Lai để thờ phật, dựng Nghè thờ thần linh và có thể đã có các miếu như Thất vị. Khi hội đủ các điều kiện cần và có mới tách thành hai làng độc lập; cũng là lúc mới đủ sức xây dựng đình. Cho lên hai đình, nhưng chung Thần hoàng vẫn chung tên gọi chữ Đan.
Khu vực Đình làng Đan Thượng (tháng 2/2015)
Đình Đan Thượng tọa lạc giữa bãi đất trống, giáp đê sông Thao, xây dựng kiểu chuôi vồ. Các gian ngoài làm nơi tế lễ, sinh hoạt cộng đồng. Gian trong, phần chuôi vồ đặt ngai thờ có bài vị Thần hoàng; ở đây gọi là Hậu Cung có cửa ra vào luôn đóng kín, thâm nghiêm. Đình Đan Thượng có vị trí trung tâm của làng xưa, trên nền đất cao giữa đồng. Phía trước là sông, phía sau là dãy đồi cao, nhất là đồi hình con voi phía Đông Nam, nơi có đền Nghè, đồi hình con Rùa ở phía Bắc, có nhiều cây cọ và cây bản địa, phía Tây Bắc là đồi hình con Rồng, có chùa Chén ngự trên lưng. Sau đình có cây to. Nhiều nơi đình làng còn có ban thờ Thần Nông và ban thờ Hậu Thần.
Cụ thể ở Đan Thượng ra sao, không có tài liệu để lại, đình làng cũng không còn nên không rõ. Những người quản lý và tham gia các chức danh ở Đình được tuyển lựa chặt chẽ. Tôi hình dung các dịp lễ hội làng rất đông vui. Hội Vật càng sôi động bởi không chỉ có người làng mà người trong tổng, trong vùng cũng tham gia. Đình Vật thời sau cách mạng tháng 8/1945 thường có mít tinh hội họp. Có lúc là trường học “xóa nạn mù chữ”, sau này là trường cấp 1 của xã. Lứa chúng tôi đã ngồi học lớp 3 trong Đình này. Các lớp khác ở sân rộng phía dưới. Hàng rào khu trường bằng nứa, mà cổng trường ở sát chân đê.
Trong “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đan Thượng” (năm 1987) có ghi rằng: “ngày 26.8.1945 tại đình Đan Thượng có hàng ngàn dân mang theo cờ, hoa, biểu ngữ dự mít tinh mừng ngày Cách mạng thành công”. Các sự kiện trọng đại của đất nước lúc đó thực hiện trong phạm vi địa phương cũng diễn ra ở đình này. Bầu cử Quốc Hội (6.1.1946), “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến. Sự kiện ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng, Mặt trận Việt Minh, Ủy ban hành chính đầu tiên của xã và các cơ quan trên một thời hoạt động ở đây.Đồng chí Trần Huy Liệu, cán bộ trung ương cũng đã từng đến nói chuyện… Đình làng đã chứng kiến những hoạt động chính trị - xã hội sôi động không chỉ của Đan Thượng mà của cả Tổng Đan Thượng. Đấy là địa chỉ Đỏ, có đấu ấn lịch sử cách mạng, là một giá trị riêng có của Đan Thượng.
Tôi nghe các cụ nói thời nhà Thanh (Trung Quốc) có quân Cờ Đen (tức quân Lưu Vĩnh Phúc) sang ta để đánh Tây theo yêu cầu của triều đình Huế. Khi nhà Nguyễn lại hòa hoãn với quân Pháp, quân Cờ Đen phải rút về nước có một bộ phận qua Đan Thượng cũng đóng quân ở Đình Vật.
Phía trước Đình Vật ngoài đê có hai cây Gạo to, có cây cao 25-30m, gốc lớn tới mấy người ôm. Chim Bồ Các, Quạ thường làm tổ trên ngọn. Mùa hoa gạo nở đỏ rực cả khoảng trời, từ xa nom rất bắt mắt. Khoảng đầu thế kỷ 20 người ta vẫn còn đi lại phía ngoài cây Gạo.
Đến mùa bông Gạo bay trắng cả một vùng. Làng Đan Thượng đã thu gom được trên một tạ bông để góp cho kháng chiến dùng làm nguyên liệu may đồ ấm cho bộ đội, trong đó chắc có phần của những cây Gạo này.
Cây Gạo còn gọi là Mộc Miên có thơ ca diễn tả. Cây Gạo còn gắn với sự tích bài thơ sấm truyền ở Kinh Bắc báo hiệu sự xuất hiện của Triều Lý (Lý Công Uẩn). Còn nhỏ tôi chỉ nghe “Thần cây đa ma cây gạo” và thấy nói có tên Việt gian bị ta xử bắn ở cây Gạo nên mỗi lần phải đi qua đây trong đêm cứ thấy dờn dợn. Vùng này có nhiều cây Gạo. Không biết có phải vì màu hoa đỏ đầy ấn tượng ấy mà cha ông chúng ta đã lấy làm căn cứ để đặt chữ “Đan” trong tên làng Đan Thượng, tên tổng Đan Thượng mình chăng?
Tôi có kỷ niệm nhỏ năm 1969, được tranh thủ về thăm gia đình, khi trả phép, chú Cường (em trai tôi lúc đó 9 tuổi) cứ bám theo nằng nặc đòi đi cùng. Dừng chân ở bên gốc Gạo tôi phải nói dối: bỏ quên cái khăn mặt, nhờ em chạy về lấy giúp. Tin là thật, em chạy về tìm, khi quay ra thì tôi đã đi xa.
Từ lâu cả hai cây Gạo đã không còn. Có bến đò ngang xuất hiện bên cạnh lạch nước từ phía đồng Đình chảy qua róc rách đêm ngày, như nhắc nhở chỗ ấy, từ xưa đã có những cây Gạo rợp bóng mát. Tôi thấy tiêng tiếc mãi. Nếu như còn Đình, còn cây gạothì thú vị biết bao. Không phải tất cả cái gì của ngày xưa đều xếp vào quá khứ hay cổ hủ cả, mà còn có một cái gì đó vẫn thuộc về hiện tại và cho cả tương lai. Nhiều nơi người ta rất trân trọng, tự hào về các Di tích lịch sử văn hóa với các giá trị riêng của nó. Cũ thì tu bổ, mất thì tìm về, hư hỏng thì tôn tạo, thậm trí làm mới khang trang hơn. Đó là giá trị góp phần làm nên nền tảng tinh thần xã hội. Càng ít càng quí hiếm, càng cần phát huy, sử dụng đúng mục đích và pháp luật đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của dân. Một nhà văn Liên Xô có câu: “Bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại bằng đại bác”. Ứng xử với giá trị lịch sử văn hóa người ta hết sức thận trọng, không tùy tiện giản đơn, tránh khi tả, khi hữu. Tất cả đều hướng vào mục đích chung, có lợi cho cộng đồng, cho con người trước mặt và lâu dài.
Theo bước chân thiên di của người Việt về phương Nam, trong lịch sử có những mái đình thân thương mọc lên mới thấy hết giá trị ý nghĩa của cái Đình trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Hai tiếng Đình Vật gợi lại cho tôi truyền thống thượng võ của người dân Đan Thượng một thời. Đình Vật như thông điệp của cha ông về sự ứng xử với dòng sông cuộn sóng phía trước khi mà lũ đến mà cái lợi và cái hại luôn đi bên nhau. Đình Vật và Hội Vật không còn, chỉ có con người vẫn phải trăn trở vật lộn với thiên tai, vật vã mưu sinh để tồn tại.
Đình Vật làng Đan Thượng nay chỉ còn lại nền đất cũ như một dấu ấn tâm linh với những câu chuyện bi hài nhiều màu sắc.
Dấu xưa - Đan Hà (Ảnh tháng 3/2015)
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét