Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015
VỀ ĐAN THƯỢNG
Ai về Đan Thượng, Hạ Hòa
Bao người con ở nơi xa nhớ thầm,
Đan Hà, Hậu Bổng, Động Lâm
Âu Cơ, Chí Thiện… vẫn chung dặm đường
Ga tàu kỷ niệm thân thương
Bến đò bãi chợ còn vương nụ cười
Bên sông hoa gạo đỏ tươi
Cây đa, giếng nước một thời ấu thơ.
Có người con của họ Hà
Bao năm phiêu bạt nơi xa trở về
Chiêm bái mộ Cổ ven đê
Viếng thăm chùa Chén nhớ về tổ tông…
Đất đai làng xóm ruộng đồng
Bao nhiêu công sức cha ông đắp bồi
Bao nhiêu máu đổ xương rơi
Cho ta hạnh phúc cuộc đời hôm nay
Mùa xuân con én lượn bay
Quê hương hò hẹn bấy nay ngày về.
---
ĐỀN NGHÈ
Đền Thượng còn gọi đền Nghè (1)
Chốn thiêng Đan Thượng, Đan Hà thờ chung:
Tướng quân từ thuở vua Hùng
Vì dân vì nước Ngài cùng Tản Viên
Chống Thục Phán giúp Duệ Vương
Ngài là Nguyên soái Cao Sơn Thượng thần.
Những người công đức với dân
Ở đâu cũng được tri ân phụng thờ.
(1): Có thể Nghè có trước, sau nâng cấp thành đền Thượng (Di tích đã xếp hạng), thờCao sơn Nguyên soái Đại vương và phối thờ Phất lang Thất vị Đại thần, Cầm cường Đại thần. Gò Nghè cao nhất, đẹp nhất với cây Đa cổ thụ nhất Đan Thượng
---
CHÙA CHÉN
Chùa Chén làng Đan còn sự tích
Họ Hà mộ Tổ vĩnh truyền lưu
Đan Thượng xưa có Cổ Lai
Cùng với Chùa Chén là hai ngôi chùa (1)
Cổ Lai nay thuộc Đan Hà
Được xây dựng lại gọi là Hà Linh
Chùa Chén còn ở quê mình
Là nơi hội tụ tâm linh bao đời
Lộ thiên phóng khoáng giữa trời
Năm ban thờ? Giữa đỉnh đồi ven sông!
Như câu đố của cha ông
Như khát vọng của tổ tông một thời.
Nguy nga cũng đổ nát rồi
Khiêm nhường còn trụ giữa đồi trơ trơ
Hàng năm mồng 8 tháng 4
Hội chùa niệm Phật, tiễn đưa Thuyền Rồng.
Tựa cửa thiền mới thành công?
Phải chăng thông điệp cha ông chúng mình.
(1): Cổ Lai tự là chùa chung của Đan Thượng và Đan Hà bị hủy hoại, nay thuộc Đan Hà mới được xây cất lại với tên Hà Linh Tự. Trước đây khi làm lễ hội Chùa Chén phải làm lễ trước ở Cổ Lai có nghi thức tắm tượng. Chùa Chén tọa lạc trên một gò cao, đẹp và là một Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Đan Thượng. Chùa để lễ Phật nhưng nơi đây còn để tưởng niệm cụ Hà Viết Đạo với cộng sự có công với dân làng.
---
MIẾU THẤT VỊ
Thất vị là những vị nào
Phải là đức cả công cao nghĩa dày?
Miếu xưa dấu tích còn đây
Ngôi cao Đền Thượng đến nay vẫn thờ.
(1): Miếu Thất vị ở xóm Sấu, chếch phía trước ga Đoan Thượng, thờ Phất lang Đại Thần, không rõ sự tích, tên tuổi và cũng phối thờ ở Đền Thượng. Miếu đã hoang tàn nhưng còn dấu tích ở đỉnh gò với nhiều đá kê cột rải rác trong vườn nhà ông Đinh Văn Vượng.
---
VÔ ĐỀ
Quên sao tiếng hú còi tàu
Đến ga Đoan Thượng (1), tiếng đầu máy reo
Xa quê dù có bao nhiêu
Vẫn thương vẫn nhớ vẫn yêu tiếng tàu…
Đã lâu có dịp đi tàu
Đậm đà truyền thống sắc màu quê hương.
(1): Vùng đất này xưa thuộc Đan Hà, sau cắt về Đan Thượng. Khi đặt tên Ga người ta đã đặt chệch thành Đoan Thượng (?)
---
VỀ VỚI EM
“Sông Thao nước đục người đen”
Ai về Đan Thượng với em thì về.
Xinh xinh làng nhỏ ven đê
Có chùa Chén có đền Nghè linh thiêng.
Chợ quê tuần họp ba phiên
Có ga xe lửa nối liền ngược xuôi.
Bãi sông khi lở khi bồi
Con đò năm tháng đưa người qua sông.
Lúa thì con gái xanh đồng
Hương cau thơm ngát một vùng Trung du.
Trời xuân én nhạn bay đưa
Hoa gạo nở đỏ như xưa mùa hè.
Đan Thượng tươi thắm miền quê
Gần thương xa nhớ có về với em.
Kiệm cần, nhân hậu thảo thơm
Ai về Đan Thượng với em thì về ./.
---
MÀU THỜI GIAN
Gặp lại bà con quê nhà
“Phi nội tắc ngoại” đều là anh em
Dẫu không còn ở Làng Đan
Tình quê đâu kể hèn sang giàu nghèo.
Nào là các cháu thương yêu
Đây anh đây chị vai xiêu da mồi.
Chú bác thành cụ cả rồi
Cô dì lụ khụ đứng ngồi lom khom.
Giật mình mới đó “còn xoan”
Mà nay mình cũng “đã toan về già”
Bạn trường lên ngạch lão bà
Dáng duyên thiên phú ấy là ngày xưa.
Đường xuân như lây phây mưa
Ô đi mà chẳng thấy che mấy người
Chỉ nghe tiếng khúc khích cười
Ngày xưa, thuở ấy một thời đã qua.
---
ĐÂU RỒI
Về quê là trở về nguồn
Vui bao nhiêu đấy lại buồn vẩn vơ.
Lũy tre, cây mít ngày xưa
Vườn chè, nương cọ, nắng trưa ve sầu
Triền đê bãi mía hàng cau
Ven sông hoa gạo đẹp màu quê hương.
Đâu rồi cái giếng thân thương
Dộc Xuôi, Mỏ Lấm vấn vương rừng Trà.
Đâu rồi Đình Vật cây đa
Con đò đợi khách nhà ga vắng người.
Đâu rồi xóm chợ đông vui
Lò rèn, lò gốm một thời xa xa.
Đâu rồi cam “quýt Đan Hà”
Trám, chay, măng, nhót, dâu da, mận, hồng
Táo, dứa, bưởi, ổi, cải ngồng
Cà giòn, cần cạn, cá đồng, gạo thơm.
Đâu rồi dưa sắn, nấm rơm
Tiếng trâu gõ mõ, cọ om, khoai bùi.
Đâu rồi...
Đâu rồi…
Đâu rồi…
Sông Thao bên lở, bên bồi về đâu.
Quá khứ không vị không màu
Không tên không tuổi nặng sâu đáy lòng .
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành các bài viết này có sự giúp đỡ tích cực, phối hợp nhiệt tình và có những thông tin quý báu của các quý cụ, ông bà: Hà Duy Hàn, Hà Ngọc Oanh, Hà Duy Cáp, Hà Kim Chuông, Hà Văn Lân, Lê Văn Long, Hà Đức Hoan, Hà Văn Quảng, Hà Duy Lý, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Tiếp Tâm, Nguyễn Thế Việt, Phan Vũ Thuyết, Nguyễn Thị Nin, Hà Xuân Khoát, Nguyễn Thị Thanh, Hà Quang Long, Hà Á Đông, Ma Quang Nghiêm….Đặc biệt là cụ Nguyễn Văn Liên, Hà Khắc Khoan (Hà Nội) giúp tìm hiểu về Hán Nôm.
Xin trân trọng cám ơn./.
Bài và ảnh của tác giả
Rất mong được quan tâm và trao đổi theo địa chỉ:
Hà Văn Tăng (Điện thoại NR: 043.9763484; DĐ: 0913.221.580)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét