Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Những học trò của võ sư Hà Trọng Ngự kể chuyện, mỗi khi ông múa Quyền Ba chân hổ, trông võ sư chẳng khác gì chúa sơn lâm. "Thân pháp phải uyển chuyển để người thưởng lãm không nghĩ mình múa võ, mà đó là con hổ đang rình mồi, vồ mồi".

Từ lâu trong giới võ lâm đất Sài thành râm ran nguồn tin, có một võ sư Bình Định là đệ tử ruột của "Hùm xám miền Trung" Hà Trọng Sơn, người nổi tiếng với chiến tích bất bại trong cuộc đời võ nghiệp, hiện đang giữ tuyệt kỷ "Quyền Ba chân hổ".

Võ sư Hà Trọng Sơn với những tuyệt kỹ của bài quyền ấy mà bách chiến bách thắng, tên tuổi vang danh. Giới võ lâm đất Sài thành cũng đồn trong số hàng trăm môn sinh theo học, võ sư Hà Trọng Sơn chỉ truyền tuyệt kỹ cho một người nhưng người ấy là ai, ở đâu và hiện đang làm gì thì không ai được rõ.

Lần theo nguồn tin mong manh ấy, nhờ duyên số sắp gửi mà tôi may mắn gặp được người đang giữ tuyệt kỹ Quyền Ba chân hổ. Ông là võ sư Hà Trọng Ngự.

Cội nguồn từ tiều phu đả hổ

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học và luyện võ từ năm 6 tuổi, sắp chạm ngưỡng lục tuần nhưng võ sư Hà Trọng Ngự rắn chắc, nhanh nhẹn như thanh niên.

"Năm 1972, khi được 25 tuổi, tôi mở võ đường tại quê nhà (Bình Định), vừa dạy võ Tây Sơn vừa học thêm võ Bắc Phái Thiếu Lâm Tự. Tháng 6/1997, tôi vào TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), mở lớp dạy võ ở phường Tân Hiệp.Đến tháng 11/2007, tôi lập võ đường Hà Trọng Ngự tại chùa Đồng Hiệp (phường 8, quận Gò Vấp), huấn luyện võ cổ truyền và quyền anh".

Nói về mình, võ sư Hà Trọng Ngự khiêm nhường với mấy lời vỏn vẹn ấy. Nhưng qua các học trò, đệ tử đang được ông truyền thụ các quyền thế xuất quỷ nhập thần, chúng tôi được biết vào ngày 5/2/2009, võ sư Hà Trọng Ngự được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng võ thuật TP HCM. Ngày 9/9/2009, võ sư chính thức tiếp nhận chức Chưởng môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định.

Kiệm lời khi nói về mình nhưng lúc trao đổi về tuyệt kỹ Quyền Ba chân hổ, võ sư Hà Trọng Ngự hăng say. Ông mở đầu câu chuyện võ hổ bằng bài thơ đúc kết những tinh túy của bài quyền: "Tả hữu, diện tiền bái tổ sư/ Chúa sơn lâm vung đôi hổ trảo/ Vờn bóng nguyệt, đảo sơn di hải/ Phá âm dương, xoay chuyển càn khôn/ Đảo sơn cước, tiền môn phá trận/ Chuyển bàn long, trá tẩu ẩn hình/ Vươn oai hổ ba chân đả diện/ Vuốt sơn lâm, tả hữu vờn mồi/ Tung thiết trảo đảo sơn tọa thạch/ Tấn song phi, trấn bộ lưỡng biên/ Vồ tam thế, hồi quy hạc tập/ Đảo lưỡng quyền lập bộ như tiền".

Vừa đọc võ sư vừa biểu diễn từng đòn thế. Lúc này ông như hóa thân thành mãnh hổ lúc kiên nhẫn rình mồi, khi dũng mãnh quyết liệt tấn công mục tiêu với những thế đánh nhu cương biến hóa khôn lường, thân pháp nhẹ nhàng nhưng đầy uy dũng.

Đọc dứt bài thơ, võ sư Hà Trọng Ngự thu quyền cho biết, bài Quyền Ba chân hổ được lưu truyền trong dân gian, qua nhiều đời người: "Khu vực núi Bà thuộc địa phận huyện Phù Cát gần 200 năm trước xuất hiện cọp ba chân khổng lồ vô cùng tinh ranh và hung dữ. Như con cọp ba móng từng xuất hiện ở Chiến khu Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vào năm 1954, con cọp tinh ba chân chỉ thích ăn thịt người.Thú ẩm thực đáng sợ ấy của nó đã khiến nhiều tiều phu, thường dân ở khu vực núi Bà hoặc chết mất xác, hoặc được người làng tìm thấy với cơ thể bị cọp dữ xé gặm nham nhở".

"Ngày nọ, lúc đang gánh củi về làng lúc trời xẩm tối, đột nhiên con cọp ba chân tinh quái nhào tới vồ người tiều phu vốn rất tinh thông võ nghệ. Phản xạ nhanh lẹ của con nhà võ đã giúp người tiều phu né đòn thành công. Xoay người quay gánh phang ngang vào ông ba mươi, người tiều phu nhanh như cắt rút cây đòn xóc được vót nhọn 2 đầu dùng để gánh củi, giao chiến với cọp dữ nhiều giờ liền. Ánh trăng mờ mờ ảo ảo đủ để tiền nhân đoán được các thế vồ, tát, chồm, phóng của ông ba mươi. Biết gặp phải thứ dữ, con cọp với tấm thân đầy thương tích lủi sâu vào rừng, để lại bãi chiến trường tan tành với người tiều phu toàn thân nhuốm đầy thương tích".

Võ sư Hà Trọng Ngự cho biết, do chuyện xảy ra quá lâu nên không ai nhớ người tiều phu đả hổ ấy tên gì? Chỉ biết sau trận tử chiến ấy, con cọp tinh bặt tích và người tiều phu đã ghi chép lại những kinh nghiệm lúc cận chiến với mãnh hổ, những thế nó thủ thân, giương vuốt, phóng vồ… và từ đó khai sinh bài Quyền Ba chân hổ.

Sau khi tập luyện thành thục, người tiều phu phổ biến, chỉ dạy bài quyền cho nhiều người trong vùng, trước luyện sức khỏe, sau bảo vệ mình và người thân một khi chẳng may rơi vào tình thế giao đấu với chúa sơn lâm và kẻ thù. Cứ thế bài quyền được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân cư núi Bà và võ sư Hà Trọng Sơn may mắn học được bài Quyền Ba chân hổ nhuốm màu ly kỳ ấy!

Võ sư Hà Trọng Ngự.

Muốn hóa hổ phải khổ luyện

Được lưu truyền trong dân gian và dùng để tự vệ chiến đấu chống thú dữ và giặc ngoại xâm, bài Quyền Ba chân hổ rất ít người biết tới, gần như bị thất truyền. Võ sư Hà Trọng Ngự tâm tình: "Một trong những nguyên nhân khiến bài quyền ít được phổ biến là do tính sát thương của nó. Một khi giao đấu mà sử dụng Quyền Ba chân hổ là tình thế chẳng đặng đừng bởi các thế đánh rất mạnh bạo sẽ khiến đối phương bị trọng thương". Do đó người tiếp thu bài quyền đòi hỏi phải có tư chất, đạo đức, và có cái tâm.

Võ sư Hà Trọng Ngự nhớ lại: "Tôi được thầy truyền cho bài quyền vào năm 39 tuổi. Hôm đó thầy đến nhà riêng của tôi ở thành phố Qui Nhơn và bảo tôi tập luyện một vài động tác có trong bài quyền cho thuần thục. Khi ấy thầy bảo sao tôi làm vậy, hoàn toàn không biết đó là những chiêu thức chính của bài Quyền Ba chân hổ. Được một thời gian thì thầy nói rõ về tuyệt kỹ và tích cực chỉ dạy tôi tập luyện trong vòng một tháng. Bài quyền này có điểm đặc biệt là càng tập luyện càng thể hiện nét điêu luyện, nghĩa là càng giống hổ".

Những học trò của võ sư Hà Trọng Ngự kể chuyện, mỗi khi ông múa Quyền Ba chân hổ, trông võ sư chẳng khác gì chúa sơn lâm. Võ sư Hà Trọng Khánh, em trai võ sư Hà Trọng Ngự, cho biết: "Với người có tư chất, có nền tảng võ thuật căn cơ phải mất vài năm tập luyện, tập luyện cật lực mới mong thể hiện được những nét tinh diệu của bài quyền. Nghĩa là khi tung chiêu toàn thân phải linh hoạt, dũng mãnh, dẻo dai, phải dồn hết tâm trí, nhãn pháp đi đôi với thân pháp".

"Thân pháp phải uyển chuyển để người thưởng lãm không nghĩ mình múa võ, mà đó là con hổ đang rình mồi, vồ mồi. Lúc vờn mồi là nhu, lúc chụp mồi là cương phải dũng mãnh, quyết đoán, ra đòn dứt khoát. Lúc vờn nâng mồi tung lên rồi chụp xé phải thể hiện oai lực của hổ…".

Để có được thân pháp như hổ ấy, sau khi được thầy truyền cho bài quyền, võ sư Hà Trọng Ngự phải khổ luyện nhiều năm ròng.

Ông kể: "Ngày nào tôi cũng luyện Quyền Ba chân hổ. Càng tập luyện thì trí lực, thần lực càng mạnh khỏe, phấn chấn. Tôi thường nói với các học trò muốn học Quyền Ba chân hổ ngoài việc tu dưỡng tình chí còn phải luyện công phu và tấn pháp, bởi đấy là nền tảng để đi vào đỉnh cao của bài quyền. Luyện tấn pháp để có lực nhảy tới nhảy lui, khi búng cao lúc xuống thấp như hổ. Muốn luyện phải đào hố sâu 1m tập nhảy lên nhảy xuống, cứ thế nâng dần đến chiều cao ngang cổ. Để có thân pháp nhẹ nhàng, người luyện phải đeo hai cục chì ở hai bắp chân, mỗi chân hai ký (2kg), sau đó tùy theo sức tập tăng dần, đến khi mỗi chân mang 10 ký thì dừng lại".

Tiếp đó phải luyện bộ tay phản xạ nhanh để đảo gạt, tránh né và bắt đòn của đối phương, đó gọi là luyện hổ trảo. Muốn luyện, nung nóng chảo sỏi rồi dùng hai tay xào, xốc lên xốc xuống đến khi tuôn máu, rách tay thì nhúng vào thuốc võ rồi lại xốc xào.

"Mục đích để tay chai cứng, có sức mạnh bởi tay là vũ khí chiến đấu của hổ, khi chụp được đối phương thì sắt cứng như gọng kìm, bấu chặt đến tận xương tủy đối phương. Thế mới nói bài quyền có tính sát thương rất lớn".

Không lo thất truyền

Quá trình luyện Quyền Ba chân hổ phải tuân theo qui ước "Song thủ ngũ hành vi căn bản/ Lưỡng túc bát quái vi căn". Nghĩa là: Tập tay phải lấy ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) là căn bản, còn tập tấn phải lấy thế bát quái làm đầu).

Võ sư Ngự kể, song hành với việc luyện hổ trảo và tấn pháp, ông còn phải ngâm mình trong thuốc mã tiền cho gân cốt cứng cáp. Rồi ngày ngày phải tập chụp tay vào thân cây chuốt, sau đó là bao cát, lốp xe để bộ trảo duy dũng như bộ móng vuốt đích thực của hổ.

Khi chúng tôi hỏi chuyện người kế thừa bài Quyền Ba chân hổ, võ sư Hà Trọng Ngự, rạng rỡ: "Một thời gian dài, tôi luôn canh cánh nỗi lo bài quyền bị thất truyền, bởi người học võ thì nhiều nhưng người hội đủ các điều kiện để tiếp nhận Quyền Ba chân hổ như nền tảng võ học, đạo đức và cái tâm với võ cổ truyền thì quá ít. Người có những điều kiện ấy thì lại choàng vai với gánh nặng áo cơm".

"Những năm gần đây, ngoài việc truyền thụ Quyền Ba chân hổ cho em trai Hà Trọng Sơn và con trai là Hà Trọng Kha Vy, tôi đã tìm được người ngoại tộc để truyền dạy. Đó là võ sư Trương Thành Tâm, học trò của tôi vào năm 1973, sau mất liên lạc. Cách đây 3 tháng, từ Na Uy, Tâm tìm về võ đường và một lòng muốn phát triển võ cổ truyền Việt Nam ở nước bạn. Tôi trân trọng lý tưởng ấy và đang giúp môn sinh này luyện lại các kỹ năng cơ bản của võ cổ truyền, khi căn cơ rồi thì đến bài Quyền Ba chân hổ".

Nói đến đây võ sư Hà Trọng Ngự cười mãn nguyện. Ông trải lòng: "Những ai có tư chất đạo đức, đam mê, tâm huyết, tôi luôn sẵn lòng đón nhận. Với bài Quyền Ba chân hổ, tôi không muốn giữ riêng cho mình, không muốn khoanh vùng trong cái gọi là gia tộc. Thật lòng, tôi mong đất nước mình sẽ có nhiều người luyện Quyền Ba chân hổ, để mỗi người Việt đều là mãnh hổ có sức khỏe, can trường, nhân ái, luôn ngập tràn tinh thần thượng võ"

Nguyễn Thành Dũng - CAND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Blog Archive