Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Giáo sư Hà Đình Đức

Mới đây, thành phố Hà Nội đã nhất trí với việc xây dựng một lễ hội đặc biệt gắn liền với Hồ Gươm và sự kiện hoàn gươm của Lê Lợi.

Đây là kết quả của gần 10 năm vận động không mệt mỏi của Giáo sư Hà Đình Đức, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, được mang tên “Lễ hội Vua Lê đăng quang”. Lễ hội được kỳ vọng là một lễ hội quốc gia tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tổ chức thường niên vào ngày 15/4 âm lịch. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với vị giáo sư đã 16 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm xung quanh vấn đề này.

Giáo sư có thể cho biết là từ đâu ông có ý tưởng về một lễ hội tái hiện cảnh lên ngôi hoàng đế ở Hà Nội?

Xuất phát từ hai Chỉ thị, một là Chỉ thị số 32 của Bộ Chính trị về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do ông Phạm Thế Duyệt, Uỷ viên Bộ Chính trị ký ngày 4/5/1998, hai là Kế hoạch 30 của Thành uỷ Hà Nội ngày 19/5/1998 đều không nhắc tới Hồ Gươm. Chính vì thế, 1/8/1998 tôi đã viết thư lên đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc đó là Tổng bí thư) trình bày về việc này và kiến nghị một số việc liên quan đến Hồ Gươm. Việc đầu tiên là tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê, vì lúc ấy xung quanh còn rất hoang phế và đặc biệt là xây dựng một lễ hội quốc gia tại Hà Nội.


Thêm nữa là trong suốt chiều dài 1.000 năm Thăng Lòng – Hà Nội, chưa có bất cứ một lễ hội nào về việc lên ngôi hoàng đế của các vị vua trong lịch sử Việt Nam. Hồ Gươm là trung tâm của Hà Nội, đồng thời trong Hồ Gươm còn có cụ rùa gắn liền với truyền thuyết hoàn gươm tồn tại gần 600 năm nay, được coi như một trang sử sống để giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nên sẽ rất thiếu sót khi xung quanh Hồ Gươm chỉ có những sinh hoạt văn hoá văn nghệ mà chưa có một hoạt động lịch sử nào.

Ông đánh giá thế nào về sự kiện vua Lê đăng quang trong lịch sử và đó có phải là lý do để ông quyết định chọn sự kiện này không?

Lê Lợi là vị vua trong lịch sử tay không dựng cờ khởi nghĩa rồi chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng lực lượng, nằm gai nếm mật trường kỳ kháng chiến. Đó là vị vua lên ngôi rất đặc biệt trong lịch sử Việt Nam . Triều Lê kéo dài hơn 300 năm, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng dấu ấn là rất lớn. Cái này có thể chứng minh qua đánh giá của Phan Bội Châu. Phan Bội Châu nói ở Việt Nam có hai ông Tổ Trung hưng, một là Ngô Quyền, hai là Lê Lợi. Ngô Quyền đã chấm dứt được thời kỳ Bắc thuộc còn Lê Lợi chấm dứt 20 năm Minh thuộc. Tuy nhiên, Lê Lợi không chỉ giải phóng được đất đai, đất nước mà ông còn giữ được văn hoá Việt Nam . 
Dưới thời Minh thuộc, dân Việt bị bức để tóc dài, ăn vận như người Ngô, văn tự bị đốt hết, văn bia bị đập, người trí thức thì bị đưa sang Tàu, tên nước thì bị đổi ... Mặt khác, năm 1977, nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn có về thăm Thanh Hoá, trong bài phát biểu có viết là “nước ta thời Trần đánh giặc giỏi, nhưng lúc ấy có nước có quân, còn Lê Lợi đánh giặc chỉ có dân”, để thấy vai trò của Lê Lợi. Còn vào năm Bính Thìn, trong lá thư chúc Tết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói, Việt Nam thực sự có hai cuộc giải phóng: Năm 1418 – 1427 Lê Lợi và Nguyễn Trãi, 1945 – 1975, Bác Hồ và các anh. Lê Lợi có công rất lớn như vậy nên việc tổ chức lễ hội này cũng là việc làm tôn vinh người anh hùng giải phóng dân tộc và là một dấu ấn lịch sử cần được ghi nhận, giáo dục cho thế hệ mai sau.

Trước đây có khá nhiều dự án xây dựng bên Hồ Gươm, có nguy cơ phá hỏng cảnh quan khu vực này, Giáo sư có gặp khó khăn không trong quá trình đi vận động của mình?

Gần 10 năm ròng, tôi theo đuổi dự án này. Ngày 5/2/1996 ông Trần Hoàn và ông Đỗ Quang Trung nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có viết công văn đề nghị Thủ tướng phá sân khấu, cái bệ ngồi ở phía đường nay là Cục văn hoá Thông tin cơ sở, làm nhà dịch vụ văn hoá và cho người nước ngoài thuê, với diện tích 762,7m2. Khi có thông tin đó thì ngày 15/3/1996 tôi viết thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi cho rằng nếu làm nhà dịch vụ đó thì sẽ vi phạm pháp lệnh về bảo vệ di tích (lúc đó chưa có luật). Khu tưởng niệm vua Lê được công nhận là di sản văn hoá từ Quyết định số 65 ngày 25/1/1995 đến tháng 2/1996. Ngày 18/3, tôi lại viết thư lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Sau đó tôi nói với ông Dương Trung Quốc và ông đã làm công văn cho hội khoa học lịch sử ngày 25/3/1996 gửi lên Chính phủ. Ngày 14/6, Thứ trưởng Lê Trần Tiêu ký một công văn quyết định không thực hiện dự án này nữa nên bây giờ mới có khu tưởng niệm vua Lê khang trang.

Đến năm 1998, tôi đề xuất xây dựng lễ hội vua Lê đăng quang và một loạt những đề xuất khác xung quanh Hồ Gươm. Ngày 3/4/2006, tôi đưa ra tám kiến nghị xung quanh Hồ Gươm và gặp trực tiếp Phó chủ tịch Lê Thị Thanh Hằng. Vừa qua tại Quyết định số 4249/QQĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành phố chính thức cấp kinh phí cho hạng mục “Xây dựng lễ hội vua Lê đăng quang” với kinh phí 70 triệu đồng và giao cho UBND Quận tiến hành. Năm nay sẽ làm ở mức độ vừa phải, quận đứng ra tổ chức một lễ dâng hương và có thể có đội tế ở ngay khu tượng đài lê Lợi. Còn tiếp theo, tôi nghĩ là sang năm đúng dịp kỷ niệm 580 năm ngày vua Lê đăng quang thì sẽ có một lễ hội hoành tráng, có cả sự tham gia của thành phố và Bộ Văn hoá Thông tin.

Theo Giáo sư thì lễ hội “vua Lê đăng quang” sẽ bao gồm những gì và liệu có yếu tố “hiện đại” để hấp dẫn công chúng không?

Nội dung còn phải bàn cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ phải mời các chuyên gia về văn hoá, lịch sử về xây dựng kịch bản. Theo tôi nó phải gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Trong phần Lễ, phải có diễn văn để tôn vinh công trạng của vua Lê, sau đó là phần gợi về sự kiện lên ngôi trong di tích thành cổ và rồi dâng hương ở khu tưởng niệm. Phần Hội là phần tái hiện cảnh sinh hoạt văn hoá thời vua Lê. Cái này có thể tham khảo một phần về ngày lễ hội vua Lê trong Thanh hoá, 22/8 âm lịch. Phần hiện đại hay không thì sẽ có một hội đồng, trước khi tiến hành lễ hội quốc gia thì phải có một cuộc hội thảo về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam sơn. Trong đó nói đến công lao của Lê Lợi, diễn biến sự kiện hội thề Đông quan và cuối cùng là diễn biến sự kiện lên ngôi của Lê Lợi, mở màn cho việc làm lễ hội này. Đây là một dấu ấn rất tốt cho Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hiện nay, có ý kiến nói là có quá ít tư liệu về sự kiện vua Lê đăng quang, nhưng tôi có trao đổi với nhiều giáo sư về lĩnh vực này. Họ nói là nếu lễ hội được chấp nhận thì họ sẵn sàng viết kịch bản cho lễ hội. Đây là những giáo sư am tường về lịch sử và văn hoá Việt Nam nên chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng hay.

Như vậy, lễ hội “vua Lê đăng quang” xứng tầm và sẽ là một lễ hội quốc gia?

Tôi nghĩ nó quá xứng tầm là một lễ hội quốc gia. Một điều lạ là sau Cách mạng Tháng Tám, Thị trưởng Trần Văn Lai đã đổi tên phố Hà Nội từ tên Pháp sang tên Việt và khu vực Hồ Gươm gần như đều liên quan đến thời kỳ Vua Lê. Còn gì tuyệt vời hơn thế.

Xin cảm ơn Giáo sư!
(VNMEDIA)

1 nhận xét:

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT