Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015



Cả cuộc đời ông là một kho tư liệu. Nhìn lại 600 trang sách "Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình", thấy lịch sử nhiều phen đặt Hà Văn Lâu vào những vị trí hiểm nghèo. Xuất thân học trò, muốn làm thầy giáo nhưng không ngờ lại theo binh nghiệp.



Chính từ con đường binh nghiệp này mà Hà Văn Lâu trở thành vị chỉ huy của nhiều mặt trận từ Nam Trung bộ ở Nha Trang đến mặt trận Bình Trị Thiên. Ông trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng. Chẳng hạn như nói về sự hình thành những đội cảm tử quân đánh Pháp tại Thành nội Huế, chiến khu Hòa Mỹ ra đời khi mặt trận Huế bị vỡ nát như thế nào... tất cả đều mang đậm dấu ấn đôi bàn tay của Hà Văn Lâu - người đã góp phần gầy dựng nên phong trào cách mạng tại đất Bình Trị Thiên từ những ngày đầu gian khổ nhất.

Nhưng tư liệu đáng quí hơn cả là khi Hà Văn Lâu tham gia phái đoàn VN đàm phán ở hội nghị Genève và sau đó là đàm phán để ký hiệp định Paris. Người con trai của làng Sình ở Huế đã đi đến nhiều nơi, tham gia đấu tranh trên mặt trận cân não để giành chiến thắng ở hiệp định Paris, góp phần đưa cách mạng VN đến ngày thắng lợi.

Khép những trang sách lại, lòng cứ bồi hồi khi nhớ lại những chặng đường Hà Văn Lâu đi qua, lịch sử đi qua, người vợ yêu rất mực cùng ông đi qua... Lại như thấy trước mắt cảnh lụt thảm khốc năm 1999. Năm ấy suýt nữa hai vợ chồng già Hà Văn Lâu chết đuối trong cô đơn nếu không có bà con ở Huế cứu kịp.

Làm chỉ huy cả chiến trường rộng lớn, sáng lập bao nhiêu đơn vị hùng mạnh, trong đó có công chính trong việc lập nên sư đoàn 325 anh hùng, nhưng Hà Văn Lâu vẫn mang quân hàm đại tá cho đến ngày chuyển sang làm nhiệm vụ ngoại giao. Đọc những dòng viết cuối sách lại thấy ông Hà Văn Lâu loay hoay đi xin cấp số nhà ở TP.HCM, mới hay số phận lắm khi trêu tức con người, càng thương cho một tấm lòng cách mạng.


(Theo Tuoitre.com.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fanpage họ Hà

Bài hát về họ Hà

ĐỌC NHIỀU NHẤT